Tam Quốc Diễn Nghĩa: Ngựa quý cũng cần người có đức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu Tào Tháo có chiến mã Tuyệt Ảnh, Lã Bố có tuấn mã Xích Thố, thì Lưu Bị lại có thiên lý mã Đích Lư. Đích Lư từng bị coi là con ngựa sát chủ, nhưng lại cứu mạng Lưu Bị khỏi nguy hiểm cận kề.

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” kể rằng, Tuyệt Ảnh của Tào Tháo có khả năng phi nước đại, nhanh đến nỗi ngay cả cái bóng cũng không đuổi kịp. Xích Thố của Lã Bố chạy nhanh như bay, có thể vượt mọi địa hình, dễ dàng trèo non lội suối, ngày đi ngàn dặm. Cả hai đều là những con ngựa quý nổi tiếng mà các bậc anh hùng hào kiệt đều muốn có trong tay.

Thế nhưng, ngựa quý Đích Lư của Lưu Bị lại mang tiếng “sát chủ”, lý do là Trương Vũ và Bàng Thống từng cưỡi Đích Lư và đều vong mạng. Kỳ thực con ngựa ấy giống như Long mã, có thể bay bổng lên không trung, cứu mạng chân chúa vào thời khắc then chốt.

Đích Lư bị coi là con ngựa sát chủ, không ai dám cưỡi

Ngựa Đích Lư đã qua nhiều đời chủ, khi là vật cưỡi của Trương Vũ, lúc lại được trao cho Bàng Thống, nhưng cả hai đều phải bỏ mạng khi vẫn còn trên lưng ngựa.

Chủ nhân đầu tiên của Đích Lư là Trương Vũ, một tướng quân của Lưu Biểu. Vì Trương Vũ âm mưu tạo phản nên Lưu Biểu trao quyền cho Lưu Bị đem quân đi thảo phạt.

Trên chiến trường, Lưu Bị vừa trông thấy ngựa cưỡi của Trương Vũ liền lên tiếng khen rằng: “Đây tất là con ngựa thiên lý”.

Triệu Vân hiểu ý, bèn xông thẳng vào trận địa. Chỉ chưa đầy ba hiệp Trương Vũ đã trúng ngọn giáo và ngã vật xuống đất. Triệu Vân liền nắm lấy dây cương dắt ngựa về dâng cho chủ tướng Lưu Bị.

Sau này, danh sĩ Bàng Thống đầu quân cho Lưu Bị và được Lưu Bị hết lòng trọng đãi. Khi Lưu Bị đem quân đánh vào Tây Xuyên, thấy vật cưỡi của Bàng Thống đã già yếu, ông bèn tặng ngựa yêu của mình cho Bàng Thống để thể hiện sự trọng dụng nhân tài. Nào ngờ Bàng Thống không có phúc được hưởng ngựa quý, vậy nên vừa mới cưỡi Đích Lư chưa được bao lâu, Bàng Thống đã bị quân mai phục của Trương Nhiệm bắn chết tại gò Lạc Phương.

Đích Lư bị coi là ngựa sát chủ, vậy nên khi Lưu Bị có nhã ý dâng tặng cho Lưu Biểu, Lưu Biểu dù rất thích nhưng lại không dám nhận. “Tam Quốc Diễn Nghĩa” hồi thứ 36 kể rằng:

Hôm sau, Lưu Biểu đi ra ngoài thành, trông thấy con ngựa của Lưu Bị cưỡi tốt lắm, hỏi ra mới biết là ngựa của Trương Vũ. Lưu Biểu tấm tắc khen mãi, Lưu Bị đem biếu ngay. Biểu mừng lắm, cưỡi về.

Khoái Việt trông thấy bèn hỏi. Lưu Biểu nói: “Ngựa này là của Lưu Bị cho”.

Khoái Việt nói: “Xưa nay anh tôi là Khoái Lương xem ngựa rất giỏi. Tôi cũng võ vẽ chút ít. Con ngựa này dưới mắt có chỗ trũng chứa nước mắt, cạnh trán lại có điểm trắng, gọi là giống ngựa Đích Lư, dùng nó thì hại chủ. Trương Vũ cũng vì ngựa này mà chết, chúa công không nên cưỡi”.

Lưu Biểu tin ngay. Hôm sau Lưu Biểu mời Lưu Bị đến ăn tiệc, nhân đó nói rằng: “Hôm qua hiền đệ cho con ngựa rất tốt, tôi xin cảm tạ; nhưng hiền đệ thỉnh thoảng phải đi chinh chiến, xin trao lại để hiền đệ dùng”.

Biết là ngựa sát chủ, Lưu Bị vẫn thản nhiên đón nhận

Có người khuyên Lưu Bị không nên cưỡi ngựa Đích Lư, nhưng Lưu Bị vẫn để ngoài tai và hết lòng yêu quý con chiến mã thân thiết của mình. Ông tin rằng “tử sinh hữu mệnh”, mỗi người đều có vận mệnh riêng, sẽ không vì một con vật “sát chủ” mà đến nỗi mạng vong. Trong truyện kể rằng:

Lưu Bị vừa ra khỏi thành liền thấy một người đứng đón, người ấy vái rạp xuống đất nói rằng: “Con ngựa này, ông không nên cưỡi”.

Lưu Bị nhận ra là Y Tịch, tân khách của Lưu Biểu, tên tự là Cơ Bá, quê ở Sơn Dương.

Lưu Bị vội xuống ngựa hỏi, Y Tịch nói: “Hôm trước, tôi nghe thấy Khoái Việt nói với Lưu Biểu rằng ngựa này là giống Đích Lư, cưỡi thì hại chủ, thế nên Lưu Biểu mới trả lại ông. Ông còn cưỡi làm gì?”

Lưu Bị nói: “Xin thành thật cảm ơn lòng tốt của ông. Nhưng người ta sống chết có mệnh, con ngựa hại thế nào được!”

Y Tịch tín phục cho là cao kiến, từ đó thường hay đi lại thăm hỏi Lưu Bị.

Gặp nguy ở Đàm Khê, Đích Lư bay lên cứu chủ

Mặc dù mang tiếng là con ngựa sát chủ, nhưng Đích Lư lại dũng cảm lao mình vào hiểm cảnh, cứu mạng Lưu Bị trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” kể rằng, một tướng lĩnh của Lưu Biểu là Sái Mạo nghĩ kế giết Lưu Bị, bèn cho người mở tiệc chiêu đãi, một mặt mời Lưu Bị đến dự, mặt khác lại ngầm bố trí quân bao vây mai phục. Lưu Bị biết được, bèn lên ngựa gấp rút chạy trốn.

(Ảnh: Phạm vi công cộng)

Hồi thứ 36 viết:

Hôm đó, giết bò mổ ngựa, mở tiệc rất to. Lưu Bị cưỡi ngựa Đích Lư đến chầu, sai đắt ngựa buộc trong vườn sau. Các quan lại đã đông đủ ở công đường, Lưu Bị ngồi giữa chủ trì, hai công tử của Lưu Biểu ngồi hai bên, còn quan lại cứ ngồi theo thứ tự.

Triệu Vân đeo gươm đứng cạnh Lưu Bị. Văn Sính, Vương Uy vào mời Triệu Vân ra ngoài dự tiệc nhưng Vân từ chối. Lưu Bị bảo Vân, Vân mới miễn cưỡng vâng theo.

Sái Mạo ở ngoài bố trí quân lính bao vây kín như rào sắt, rồi cho ba trăm quân lui về nhà khách, chỉ đợi tiệc đến nửa chừng thì hạ thủ.

Rượu được ba tuần, Y Tịch đứng dậy cầm chén đến trước mặt Lưu Bị đưa mắt nói khẽ: “Xin ông vào thay áo!”

Biết ý, Lưu Bị lập tức đứng dậy ra nhà tiêu. Y Tịch mời rượu xong rồi nhanh chóng đi vào vườn sau, rỉ tai Lưu Bị nói rằng: “Sái Mạo bày kế hại ông, ba mặt thành đều có quân mã canh giữ, chỉ còn cửa tây bỏ ngỏ, ông trốn ngay đi”.

Lưu Bị sợ hãi, vội cưỡi ngựa Đích Lư, mở cửa vườn dắt ra, nhảy phắt lên yên, phi một mạch về phía cửa tây, không kịp hỏi đến bọn tuỳ tùng.

Lính gác hỏi nhưng Lưu Bị không đáp, cứ ra roi chạy miết. Lính gác chặn lại không được, vội phi vào trong báo với Sái Mạo. Mạo lập tức đem năm trăm quân đuổi theo.

Lại nói Lưu Bị ra khỏi cửa tây, đi được vài dặm thì thấy trước mặt có một dòng suối lớn chắn ngang. Suối Đàn Khê này rộng độ vài trượng, chảy ra Tương Giang mạnh quá, sóng vỗ rất lớn. Lưu Bị đến sát bờ, thấy không thể qua được, bèn gò ngựa trở lại. Lại nhìn về phía tây thành thấy bụi bốc mù mịt, quân đuổi theo sắp đến nơi. Lưu Bị nói: “Phen này chắc chết!”, rồi quay ngựa lại bờ suối.

Lúc ấy quân đuổi đã kéo đến nơi, Lưu Bị hoảng sợ, quất ngựa xuống suối. Đi được vài bước, ngựa ngã quỵ hai chân trước, ướt hết cả áo bào, Lưu Bị liền giơ roi hô lớn: “Đích Lư! Đích Lư! Nay mi hại ta rồi!”

Lưu Bị vừa dứt lời, con ngựa bỗng rún mình nhảy vọt cao ba trượng sang bờ phía tây, Lưu Bị như vừa bay bổng lên mây.

Câu chuyện này gợi chúng ta nhớ đến cây gậy Kim cô của Tôn Ngộ Không trong “Tây Du Ký”. Người ngoài nhìn thì cho rằng đó chỉ là chiếc gậy sắt vô dụng, vừa to lớn lại nặng nề, không thể sử dụng được, nhưng trong mắt Ngộ Không đó lại là bảo vật có thể phóng lớn thu nhỏ, biến hóa tự do như ý.

Vật báu trong thiên hạ cũng biết tìm chủ, cần phải là người có đức xứng tầm mới có thể có được bảo vật trong tay. Không chỉ riêng chuyện cưỡi ngựa, mà làm quan cũng như thế, người không có đức hạnh mà làm quan lớn thì tất nhiên sẽ chiêu mời tai họa. “Đức bất phối vị, tất hữu tai ương” (đức không xứng với địa vị, tất có tai ương), đạo lý chính là như vậy.

(Bài gốc đăng trên Zhengjian.org)

Theo Lộ Viễn - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tam Quốc Diễn Nghĩa: Ngựa quý cũng cần người có đức