Thái thú đoạt ngọc rồng, Thần hiện lên cảnh cáo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tục ngữ có câu: “Người chết vì tiền, chim chết vì mồi”. Có người vì muốn đoạt long châu mà rắp tâm tìm cách giết rồng. Nhưng ý nghĩ ấy vừa khởi lên đã kinh động tới Thổ Thần, Thần Thổ Địa liền hiện lên cảnh cáo...

Thủy Tinh xuống nước lấy bảo vật

Vào những năm Trinh Nguyên dưới thời Hoàng đế Đường Đức Tông, ở vùng nọ có một nhân sĩ tên là Chu Hàm.

Một ngày, Chu Hàm tình cờ thấy có đám đông tụ tập trên đường. Thì ra là người dân tộc Di đang giới thiệu về một cậu thiếu niên khoảng 14, 15 tuổi. Người Di nói: “Đứa trẻ này có kỳ tài lặn xuống nước, có thể thoải mái đi lại dưới lòng sông như đi trên đất bằng. Thậm chí nếu để cậu ta ở dưới nước liên tục nhiều ngày liền thì vẫn bình yên vô sự, không có vấn đề gì xảy ra”.

Chu Hàm cho rằng đó là tài năng phi thường, trên đời khó có ai sánh kịp. Ông liền chiêu mộ cậu thiếu niên về giúp việc riêng cho mình và đặt tên cậu là Thủy Tinh.

Một năm nọ, Chu Hàm khởi hành từ đất Thục, ngồi thuyền xuôi về phía Giang Lăng. Khi thuyền đi ngang qua hẻm Cù Đường, ông ra lệnh cho Thủy Tinh lặn xuống đáy sông xem thử xem mực nước ở đây nông sâu đến mức nào.

Thủy Tinh chỉ đi một lát đã ngoi lên khỏi mặt nước, trong tay ôm rất nhiều bảo vật bằng vàng và bạc. Chu Hàm vui mừng quá đỗi, nhờ có Thủy Tinh mà ông đã trở thành phú hào trong chớp mắt. Từ đó, Chu Hàm lại càng tin tưởng và trọng dụng Thủy Tinh.

Truyền thuyết giếng Bát Giác

Lại nói, Chu Hàm có một người bạn thân tên là Vương Trạch, làm quan thái thú ở Tương Châu. Nhân chuyến du ngoạn đến Hà Bắc, Chu Hàm thuận đường tới thăm bạn cũ. Vương thái thú gặp lại cố nhân thì vô cùng cao hứng, bèn dẫn Chu Hàm đi thăm thú khắp nơi, ngày ngày đều tổ chức tiệc tùng chiêu đãi, không khí náo nhiệt suốt từ sáng tới tận đêm khuya.

Một ngày, đôi bạn đến thăm giếng Bát Giác ở phía bắc Tương Châu. Đây là một giếng nước trứ danh được xây bằng loại đá cong tự nhiên, thành giếng có hình bát giác, miệng giếng khá lớn, ước chừng rộng hơn ba thước. Bát Giác nổi tiếng không phải vì hình dạng đặc trưng của nó, mà là vì giếng nước này gắn liền với một truyền thuyết có từ xa xưa.

Mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối, trong giếng bốc lên một làn khói dày đặc, bao phủ lấy miệng giếng rồi tỏa ra ngoài xa hơn trăm bước. Đến đêm, dưới đáy nước lại phát ra một thứ ánh sáng đỏ rực như lửa, xông thẳng lên tận mây trời. Lúc này, những người dân sống ở gần đó có thể nhìn thấy mọi thứ rõ ràng như ban ngày.

Từ xa xưa, dân chúng trong vùng đã truyền tai nhau về một vị Thần Long dưới đáy Bát Giác. Những năm hạn hán kéo dài, nhiều tháng liền không có một giọt mưa, dân chúng lại đến trước giếng thắp hương cầu nguyện, lần nào cũng vô cùng linh nghiệm.

Thái thú Vương Trạch nói: “Nếu quả thực có chuyện thần kỳ như vậy thì hẳn là dưới giếng có báu vật. Đáng tiếc ta lại không cách nào lấy ra được”.

Chu Hàm đáp rằng: “Việc này có gì là khó? Thủ hạ của tôi có thể giúp ngài làm được điều ấy”.

Dứt lời, Chu Hàm liền lệnh cho Thủy Tinh lặn xuống giếng. Thủy Tinh cởi quần áo rồi nhảy tùm xuống nước, trải qua một thời gian rất lâu mới quay trở lại.

Thủy Tinh thưa với chủ nhân: “Dưới giếng có một con rồng rất lớn, toàn thân đều một màu vàng sáng chói, đang ôm những viên minh châu nằm ngủ. Tiểu nhân rất muốn lấy minh châu, nhưng khổ nỗi trong tay lại không có vũ khí, chỉ sợ nếu bất cẩn sẽ làm hoàng long tỉnh dậy. Vì thế tiểu nhân cứ chần chữ mãi không dám đụng vào nó. Nếu có được thanh kiếm sắc bén, thì cho dù rồng vàng có tỉnh dậy tiểu nhân vẫn có thể giết nó đoạt ngọc rồng”.

Vì đoạt long châu, thái thú muốn giết rồng

Vương Trạch muốn đoạt lấy long châu, bèn trao cho Thủy Tinh thanh kiếm sắc bén nhất của mình. Thủy Tinh uống một hớp rượu rồi đeo kiếm lên vai và nhảy vội xuống nước.

Một lát sau, Thủy Tinh nhảy ra khỏi giếng, theo sau là con rồng lớn rực rỡ ánh vàng kim, thân rồng dài hàng trăm thước, những móng vuốt trên chân sắc nhọn hơn cả đao kiếm. Rồng vàng bay vút lên không trung rượt đuổi theo kẻ trộm ngọc, chỉ một loáng nó đã quắp được Thủy Tinh rồi cuộn mình quay trở vào lòng giếng.

Những người chứng kiến cảnh tượng ấy đều kinh hồn khiếp sợ, ai cũng không dám đến gần Bát Giác. Chu Hàm thấy Thủy Tinh bị Thần Long bắt đi, trong lòng vô cùng đau xót, chỉ biết ngửa mặt than trời. Còn Vương Trạch biết là không thể lấy lại được thanh bảo kiếm thì cũng gục đầu ủ dột, thở dài một tiếng.

Đúng lúc ấy, trước mặt Vương Trạch xuất hiện một vị lão nhân. Vị lão nhân râu tóc trắng xóa, trang phục trên người trông vừa có vẻ cổ xưa lại có phần kỳ lạ, toàn thân toát lên vẻ tiên phong đạo cốt khiến người ta kính ngưỡng.

Lão nhân nói với Vương Trạch: “Ta là Thần Thổ Địa của vùng này. Thái thú là quan phụ mẫu, đáng lẽ làm gì cũng phải lo nghĩ cho dân, cớ sao lại không đếm xỉa gì tới bách tính của mình như vậy? Thần Kim Long dưới giếng này là sứ giả từ Thiên thượng, có sứ mệnh bảo hộ cho sinh linh một cõi. Những viên ngọc ấy đều là pháp bảo của Tiên gia, do Thần Long đích thân canh giữ. Người bình thường sao dám lợi dụng lúc Kim Long đang ngủ để cướp lấy ngọc rồng? Kim Long hễ nổi giận thì sẽ thi triển thần lực, có thể di sơn đảo hải, lật trời dậy đất, khiến núi đồi sụp lở, khiến đất đai trong bán kính một trăm dặm toàn bộ đều biến thành sông hồ, hơn vạn cư dân làm mồi cho thủy quái. Khi ấy, ngay cả tính mạng của mình ngài còn chẳng giữ được, nói gì đến chuyện chiếm được ngọc rồng? Xưa kia Chung Ly không ích kỷ giữ báu vật của mình, Mạnh Thường Quân tự nguyện dâng châu báu. Ngài đã không noi theo gương người xưa, lại còn dung túng cho những kẻ tham lam trắng trợn cướp lấy báu vật. Thủy Tinh đã bị Thần Long ăn thịt rồi, còn ngài, nếu không sớm ăn năn hối cải thì e rằng tính mạng cũng sẽ khó bảo toàn!”

Thái thú Vương Trạch hổ thẹn đến mức không thốt nên lời. Thần Thổ Địa nói tiếp: “Ngài phải lập tức ăn năn hối lỗi, thành tâm cầu nguyện, chớ để Kim Long nổi giận thêm nữa!”

Thổ Thần nói xong liền biến mất. Vương Trạch cúi đầu biết rằng bản thân vừa gây ra đại họa, vội vàng sai người chuẩn bị cúng phẩm để tế bái Kim Long, cầu xin Thần rồng tha thứ.

Cũng từ đó, Vương Trạch không còn dám hành sự tùy tiện, vì lòng tham mà khinh mạn với Thần nữa. Còn giếng Bát Giác và Thần Kim Long cũng trở thành huyền thoại, được dân gian truyền tụng mãi cho đến ngày nay.

(Nguồn tư liệu: “Thái Bình Quảng Ký”, quyển 422 - Long Ngũ)

Theo Đỗ Nhược - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thái thú đoạt ngọc rồng, Thần hiện lên cảnh cáo