Thần thông và Đạo hạnh của bậc cao nhân dưỡng sinh Tôn Tư Mạc

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Dược vương" Tôn Tư Mạc không màng danh lợi, không thích làm quan, có phong thái Tiên gia. Học thức và Đạo hạnh của ông vô cùng cao thâm, "hiểu biết tinh thông Đạo, am hiểu thuật dưỡng sinh". Tôn Tư Mạc thông hiểu đạo dưỡng sinh từ cổ chí kim. Tương truyền rằng, ông sống đến 141 tuổi, có ngoại hình rất trẻ trung. Người khác nhìn thấy được sự thần kỳ của tu Đạo từ trên người ông, tôn kính ông giống như những vị Thần Tiên Lạc Hạ Hoằng, An Kỳ tiên sinh.

Thần thông của Tôn Tư Mạc

Tôn Tư Mạc sinh ra ở Triệu Hoa Nguyên (nay là huyện Diệu, Thiểm Tây). Từ lúc 7 tuổi, mỗi ngày ông đã có thể đọc thuộc lòng hơn nghìn chữ. Đến tuổi trưởng thành, Tôn Tư Mạc thông thạo học thuyết của của bách gia, Trang Tử, Lão Tử. Đồng thời ông còn nghiên cứu kinh sách của Phật giáo. Khi đó, quan Tổng quản Lạc Châu Độc Cô Tín nhìn thấy Tôn Tư Mạc đã cảm thán rằng: "Đây là Thánh đồng, nhưng tiếc rằng tài năng lớn mà tầm nhìn nhỏ, khó có thể dùng được".

Tôn Tư Mạc không chỉ chuyên tâm thu thập kinh sách, nghiên cứu đơn thuốc để cứu người mà còn tinh thông thuật số âm dương, có khả năng suy đoán (dùng dụng cụ hoặc thuật số để suy đoán thiên tượng), đo lường trời đất.

Trong cuộc đời của mình, Tôn Tư Mạc còn thể hiện ra công năng "túc mệnh thông", có thể nhìn thấy được sự hưng suy của các triều đại và sự xuất hiện của bậc Thánh nhân. Trong "Cựu Đường thư" có chép lại rằng, vào thời Tuyên Đế Bắc Chu (năm 578 - năm 579), trong triều đình xảy ra nhiều việc. Tôn Tư Mạc ẩn cư ở núi Thái Bạch. Lúc nhà Tùy thành lập, Tùy Văn Đế cho mời ông làm Quốc tử bác sĩ nhưng ông lấy lý do mắc bệnh nên từ chối. Tôn Tư Mạc biết trước tương lai nên đã nói với những người thân thiết rằng: "Năm mươi năm sau sẽ có bậc Thánh nhân xuất hiện. Khi ấy, tôi sẽ giúp vị ấy tế thế cứu người".

Năm mươi năm sau, Thánh quân Đường Thái Tông lên ngôi (năm 627) đã cho mời Tôn Tư Mạc. Lúc này, ông vui vẻ nhận lời trở về kinh thành, giúp Thái Tông tế thế an dân. Đường Thái Tông khen ông là "Người có Đạo". Thái Tông muốn phong chức tước cho Tôn Tư mạc nhưng ông kiên quyết từ chối, chỉ muốn giúp đỡ muôn dân, tu thân dưỡng Đạo.

Ngoài việc biết được thiên tượng, Tôn Tư mạc còn biết được nhiều chuyện trong lịch sử. Khi Ngụy Trưng và những người khác biên soạn lịch sử của các triều đại Tề, Lương, Trần, Chu và Tùy, sợ rằng sẽ bỏ sót sự thật lịch sử nên nhiều lần đến hỏi thăm Tôn Tư Mạc. Tôn Tư Mạc kể lại sự việc một cách chi tiết, giống như chính bản thân mình đã trải qua.

Tôn Tư Mạc còn có thể nhìn thấy tương lai của một số người. Ví dụ, khi cháu nội là Tôn Phổ còn chưa ra đơn, ông đã biết rằng "cháu nội tương lai" của mình sẽ làm quan ở đâu và giữ chức vụ gì. "Cựu Đường thư" ghi lại: Thái tử Chiêm Sự Lư Tề Khanh khi còn nhỏ đã hỏi Tôn Tư Mạc về tương lai của mình, ông nói: "Năm mươi năm sau, ngài sẽ làm Phương Bá (quan Thứ sử), cháu nội của tôi sẽ làm cấp dưới của ngài". Sau này Tề Khánh làm quan Thứ sử ở Từ Châu. Tôn Phổ, cháu nội của Tôn Tư Mạc làm Huyện thừa huyện Tiêu tại Từ Châu, đúng là cấp dưới của Lư Tề Khanh.

Cứu người trong thời kỳ loạn lạc, bậc đại danh y của muôn dân

Cả đời Tôn Tư Mạc hành nghề y, tấm lòng luôn hướng về người dân, cứu sống vô số người, thể hiện "tinh thần của bậc đại danh y". Trong thời kỳ loạn lạc, tâm của ông giống như mặt nước tĩnh lặng, đối đãi với mọi người bằng tấm lòng thuần khiết lương thiện, không phần biệt giàu nghèo, sang hèn. Tấm lòng thiện lượng của ông khiến mọi người cảm động.

Tôn Tư Mạc. (Miền công cộng)

Khám bệnh miễn phí, đổi nhân sâm để cứu người

Trong những năm loạn lạc cuối thời nhà Tùy, Tôn Tư Mạc vẫn hành nghề y ở khắp nơi. Một ngày nọ, khi đến vùng Cửu Giang, Giang Tây, ông bị một nhóm cướp bắt đến sơn trại. Có người nói với thủ lĩnh sơn trại rằng ông là gián điệp. Tôn Tư Mạc nói: "Tôi không phải là gián điệp, tôi là một thầy thuốc. Hiện tại đã 70 tuổi rồi, làm sao có thể làm gián điệp chứ?".

Khi ấy, Tôn tư Mạc chỉ nhìn giống một người mới ba, bốn mươi tuổi khiến bọn cướp kinh ngạc: "Chẳng lẽ ngài là Thần Tiên sao?"

Thủ lĩnh sơn trại thử tài của Tôn Tư Mạc, phát hiện rằng ông đúng là một thầy thuốc nên muốn giữ lại để chữa bệnh cho người trong trại. Tôn Tư Mạc nói với thủ lĩnh: "Có phải ngài thường xuyên bị chướng bụng, phân khô, tiểu nhiều lần, mất ngủ nhiều, sáng sớm miệng đắng, chảy máu chân răng...".

Nghe xong, thủ lĩnh kinh ngạc, nhận ra ông không phải là một thầy thuốc bình thường. Có một người anh em kết nghĩa của thủ lĩnh mắc bệnh nặng nhưng thiếu một vị thuốc nhân sâm. Trong sơn trại không có, cần phải xuống núi mua. Thủ lĩnh nói: "Cướp, đi cướp về đây".

Tôn Tư Mạc vội nói: "Làm như vậy không ổn, chữa bệnh cứu người sao có thể làm việc bất nhân như vậy được?".

Thế nhưng, sơn trại không có đủ tiền để mua nhân sâm đắt đỏ. Tôn Tư Mạc nói, nếu cho mình xuống núi, ông có thể giải quyết được việc này. Thủ lĩnh lo lắng rằng Tôn Tư Mạc đi rồi sẽ không trở lại nữa nên cho một người đi theo, giao thời hạn sáu ngày sau phải quay lại. Tôn Tư Mạc nối rằng, chữa bệnh cứu người vô cùng quan trọng, thề rằng sẽ trở lại sơn trại.

Khi đến tiệm thuốc dưới chân núi, Tôn Tư Mạc nói với chủ tiệm rằng bản thân hành nghề y, có thể ngồi chẩn bệnh ở đây ba ngày, tiền công là ba lạng nhân sâm. Chủ tiện cho một người làm thuê đến để thử y thuật của Tôn Tư Mạc. Ông liền chẩn đoán người này ba năm nay đã khổ vì chứng đầy và lạnh bụng. Chủ tiệm thấy Tôn Tư Mạc tài giỏi nên muốn ông chẩn bệnh tám ngày, nếu không sẽ không đổi nhân sâm. Tôn Tư Mạc cũng không so đo, dù thế nào cũng phải cứu người, chỉ có điều khi nghĩ đến kỳ hạn sáu ngày đã ước hẹn với thủ lĩnh sơn trại nên ông thương lượng rằng sẽ gấp rút làm việc trong sáu ngày, mỗi ngày làm gấp đôi công việc và hứa rằng sau này có thời gian rảnh có thể quay lại.

Tôn Tư Mạc ngồi khám bệnh, người bệnh theo nhau kéo đến và truyền tai nhau nên số người đến ngày càng đông. Hiệu thuốc phải đóng cửa rất muộn. Tôn Tư Mạc mặc dù mệt mỏi nhưng vẫn kiên trì làm tiếp. Trong vòng ba ngày, số người đến khám bệnh đã nhiều hơn tổng số bệnh nhân sau nửa năm hiệu thuốc khai trương. Tinh thần của bậc đại danh y - "không quản ngày đêm nóng lạnh, đói khát mệt mỏi, chỉ một lòng cứu người" đã tỏa sáng rực rỡ trên người ông.

Tôn Tư Mạc ngồi khám bệnh, người bệnh theo nhau kéo đến và truyền tai nhau nên số người đến ngày càng đông. Hình minh họa là Nhà thuốc trong bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" của Cừu Anh đời Minh. (Phạm vi công cộng)
Tôn Tư Mạc ngồi khám bệnh, người bệnh theo nhau kéo đến và truyền tai nhau nên số người đến ngày càng đông. Hình minh họa là Nhà thuốc trong bức tranh "Thanh minh thượng hà đồ" của Cừu Anh đời Minh. (Phạm vi công cộng)

Sau sáu ngày, Tôn Tư Mạc đổi được ba lạng nhân sâm. Khi trở lại sơn trại, thủ lĩnh biết chuyện nên rất cảm kích. Người bệnh sau khi dùng thuốc thì bệnh tình lập tức cải thiện. Tôn Tư Mạc ghi nhận tấm lòng của thủ lĩnh sơn trại nhưng từ chối nhận phần thưởng, chỉ yêu cầu được xuống núi tìm quan Thái thú Cửu Giang. Vị thủ lĩnh cảm động trước y đức của Tôn Tư Mạc nên đã vui vẻ đồng ý.

Thương yêu người dân, khám bệnh miễn phí lưu động

Tôn Tư Mạc từng hành nghề y ở Trung Nguyên hơn hai mươi năm. Lúc mới bắt đầu, ông ở tại một gia đình nhỏ trong thôn, đặt chiếc bàn nhỏ trước cửa, ngồi ở sau bàn, đối diện là ghế của bệnh nhân, cố gắng rút ngắn khoảng cách với người bệnh. Đối với bệnh nhân đến khám, Tôn Tư Mạc chỉ thu một khoản tiền nhỏ để đủ chi phí, gặp người nghèo thì không lấy tiền. Trên thực tế, ông hành nghề y gần như là khám bệnh miễn phí.

Đồng thời, Tôn Tư mạc cũng phản đối việc các thầy thuốc cười nói ồn ào trước mặt bệnh nhân để tìm lấy niềm vui cho mình. Ông có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh và gia đình họ, thể hiện lòng trắc ẩn trong mọi việc lớn nhỏ. Ví dụ, để bệnh nhân ở nông thôn không phải đi xa để khám bệnh, ông đã sử dụng phương thức "khám bệnh lưu động", tức là luân phiên đến các nơi để chẩn bệnh. Ở mỗi một địa điểm sẽ khám bệnh trong một khoảng thời gian, cố gắng chăm sóc người bệnh ở các nơi.

“Đại y tinh thành”: coi người bệnh như người thân, xem nhận sự sống chết của bản thân

Tôn Tư Mạc đề xuất sự tu dưỡng tinh thần trong cuốn "Đại y tinh thành" rằng người thầy thuốc phải thực sự đối xử bình đẳng, xem người bệnh như người thân. "Phàm là đại y trị bệnh, cần phải an thần định chí, vô dục vô cầu, phát tâm từ bi, trắc ẩn, nguyện phổ độ cứu khổ, không hỏi quý tiện bần phú, già trẻ xấu đẹp, oán thân thiện hữu, hoa di ngu trí, tất cả đều như nhau, đều coi như là người thân”.

Ông còn nói rằng bậc danh y trị bệnh cần phải xem nhẹ sự sống chết của bản thân, "không được lo trước lo sau, tư lo cát hung, bảo vệ tính mạng. Thấy người khác đau khổ như chính mình đang chịu đựng". Ông nói: "Mạng người quý trọng nhất, đáng giá hơn ngàn vàng. Dốc sức cứu chữa, được đức còn nhiều hơn như vậy". Vì thế, ông đã thêm hai chữ "thiên kim" (ngàn vàng) vào tên cuốn sách của mình. Tôn Tư Mạc dùng đức để tu thân, dùng thân để làm mẫu, mang các đơn thuốc chữa bệnh thông thường khắc lên bia đá, đặt ở bên đường để mọi người tự lấy sử dụng, không thu tiền.

Chân lý của sinh mệnh

Sử sách ghi lại rằng Tôn Tư Mạc mất vào năm Vĩnh Thuần thứ nhất. Trước khi chết, ông dặn dò con cháu chôn cất đơn giản, không bỏ theo đồ tùy táng, không sát sinh để làm lễ tế bái. Sau khi trút hơi thở hơn một tháng, dung mạo của ông vẫn không thay đổi. Đến lúc chôn cất, quan tài giống như trống rỗng. Người đương thời đều nói rằng ông đã "thi giải". Người ta truyền nhau rằng Tôn Tư Mạc không chết mà đi ngao du ở vùng núi Tứ Xuyên. Đến thời Bắc Tống, Tô Thức có bài thơ "Đề Tôn Tư Mạc chân" có câu thơ: "Tiên sinh nhất khứ ngũ bách tái, do tại Nga Mi Tây Yêm trung” (Tạm dịch: Tiên sinh đã mất năm trăm năm rồi, nhưng dường như vẫn còn ở Tây Yêm, núi Nga Mi).

Cả đời Tôn Tư Mạc lấy việc tu đức làm căn bản, cứu giúp muôn dân. Trong cuốn "Bị cấp thiên kim yếu phương", ông viết rằng: “Nếu đạo đức của con người không tốt, cho dù uống tiên đan diệu dược, cũng không thể kéo dài tuổi thọ. Nếu đạo đức cao thượng tốt đẹp, không cần cầu xin, cũng sẽ có nhiều phúc nhiều thọ, đây mới là chân lý của sinh mệnh” [1].

Những việc làm của một người có đạo hạnh cao thâm như Tôn Tư Mạc đã cho người đời sao thấy được nội hàm trong chân lý của sinh mệnh.

Chú thích: [1] Nguyên văn: "Đức hành bất sung, tung phục ngọc dịch kim đan, vị năng diễn thọ. Đạo đức nhật toàn, bất kỳ thiện nhi hữu phúc, bất cầu thọ nhi tự diễn".

Tài liệu tham khảo: "Đàm tân lục", "Cựu Đường thư", "Tân Đường thư", "Thái bình quảng ký"

Doãn Gia Huy - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thần thông và Đạo hạnh của bậc cao nhân dưỡng sinh Tôn Tư Mạc