Thất nghiệp cao, người Trung Quốc không dám kết hôn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tỷ lệ thất nghiệp cao và việc thiếu nguồn thu nhập ổn định khiến các cặp đôi Trung Quốc ngại ngần kết hôn và sinh con.

Theo dữ liệu do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố ngày 14/6, ngày càng có ít người Trung Quốc kết hôn.

Một số nhà quan sát tình hình Trung Quốc tin rằng xu hướng này được thúc đẩy bởi chi phí kết hôn cao và áp lực kinh tế khổng lồ đè nặng lên những người trẻ tuổi.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, số cặp đôi đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đạt tổng cộng 1,969 triệu cặp đôi, giảm so với mức 2,147 triệu cặp đôi trong cùng kỳ năm 2023, phản ánh mức giảm 178.000 cặp đôi, tương đương mức giảm 8,3%.

Kể từ mức đỉnh điểm đăng ký kết hôn là 13,27 triệu cặp đôi vào năm 2013, Trung Quốc đã trải qua gần một thập kỷ liên tục giảm số lượng đăng ký kết hôn cho đến năm 2023, khi số lượng các cuộc hôn nhân mới tăng 12,4% so với năm trước.

Số lượng các cuộc kết hôn là 7,68 triệu cặp đôi vào năm 2023, tăng 847.000 cặp đôi so với 6,833 triệu cặp đôi vào năm 2022. Tuy nhiên, số lượng đăng ký ly hôn cũng tăng 493.000 cặp đôi, từ 2,1 triệu cặp đôi vào năm 2022 lên 2,59 triệu cặp đôi vào năm 2023.

Ông Quý Phong (Ji Feng), một nhân vật nổi bật trong phong trào sinh viên năm 1989 và là một nghệ sĩ, đã nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng những người trẻ tuổi không còn hứng thú với hôn nhân như trước đây. Ông cho biết đã nhận thấy một số người quen của mình đã ngoài 30, thậm chí 40 tuổi nhưng cũng không tỏ ra hứng thú.

"Vào thời của tôi, mọi người thường kết hôn ở độ tuổi 25", ông nói. Tuy nhiên, cháu trai và cháu gái của ông, cả hai đều khoảng 25 tuổi, tỏ ra không hứng thú với hôn nhân. "Cháu gái tôi thậm chí còn chưa theo đuổi một mối quan hệ nghiêm túc nào".

Ông Quý cho biết, "Nhiều người tôi biết, bao gồm cả những người tốt nghiệp đại học và một số là sau đại học, hiện đang thất nghiệp và ở nhà. Đặc biệt là trong số những người có cha mẹ giữ chức vụ trong chính phủ, khá nhiều người rơi vào tình trạng này”.

“Suy thoái kinh tế đã khiến nhiều người phải vật lộn để có đủ tiền mua những bữa ăn cơ bản, chuyển ưu tiên sang sự sống còn hơn tất cả mọi thứ khác. Đối với hầu hết mọi người, hôn nhân đã trở thành thứ yếu. Trọng tâm chính hiện nay là đảm bảo sinh kế, tìm việc làm và theo đuổi công việc có ý nghĩa. Sự sống còn đã trở thành ưu tiên lớn nhất”, ông Quý cho biết.

Anh Gu Ming (hóa danh), sống tại Quận Hồng Khẩu của Thượng Hải, nói với The Epoch Times rằng anh đã tốt nghiệp đại học cách đây 3 năm và bắt đầu làm giáo viên tại một cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền siết chặt lĩnh vực gia sư, anh thấy mình phải chịu cảnh thất nghiệp.

“May mắn thay, cha mẹ tôi có thu nhập, nếu không thì tôi đã không thể nuôi sống bản thân”, anh giải thích. “Tôi muốn kết hôn, nhưng sự ổn định tài chính là điều cần thiết cho điều đó”.

Vào tháng 7/2021, Bắc Kinh bắt đầu trấn áp ngành gia sư tư nhân vì lợi nhuận theo chỉ thị của người lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn đã cấm các chương trình sau giờ học đối với những môn học chính ở trường.

Ông Zhang (hóa danh), có bằng tiến sĩ kinh tế và là một chuyên gia tự do, nói với The Epoch Times, "Với tỷ lệ thất nghiệp quá cao và cơ hội việc làm khan hiếm, đặc biệt là ở các thành phố vừa và nhỏ và các vùng nông thôn, làm sao ai đó có thể đủ khả năng kết hôn khi không có thu nhập ổn định? Đặc biệt là khi xét đến việc, theo truyền thống của Trung Quốc, đám cưới thường bao gồm một bữa tiệc".

Tiệc cưới của Trung Quốc là một bữa tiệc nhiều món xa hoa mà theo truyền thống, cha mẹ chú rể phải trả tiền.

Theo báo cáo nghiên cứu của học giả Trung Quốc Trương Đan Đan (Zhang Dandan), phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, tỷ lệ thất nghiệp thực tế của thanh niên vào tháng 3 năm ngoái có thể lên tới 46,5%.

Ở Trung Quốc ngày nay, việc mua nhà và ô-tô đã trở thành điều kiện tiên quyết để kết hôn, nhưng giá nhà vẫn ở mức cao ngất ngưởng. Ông Zhang cho biết: "Giá nhà cao là một trong những nguyên nhân gốc rễ khiến mọi người chọn không kết hôn".

Ông cho biết mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc không chỉ dẫn đến giá nhà cao mà còn dẫn đến chi phí y tế cao, giáo dục tốn kém, chi phí chăm sóc trẻ em tăng và các vấn đề khác, góp phần khiến công dân Trung Quốc lựa chọn không kết hôn và sinh con.

Ông Quý cho biết, "Những người trẻ tuổi cảm thấy vô vọng, họ đang tuyệt vọng".

Ông tin rằng tỷ lệ kết hôn thấp liên tục có tác động sâu sắc đến Trung Quốc. "Chúng dẫn đến suy giảm dân số, phân mảnh văn hóa và thiếu hụt lao động và nhân tài, cuối cùng dẫn đến suy thoái kinh tế kéo dài", ông Quý cho biết.

Thất nghiệp cao, người Trung Quốc không dám kết hôn
Một người đàn ông tại một con phố ở Khu thương mại trung tâm (CBD) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/4/2022. (Ảnh: WANG ZHAO/AFP qua Getty Images)

Thay đổi lớn trong 4 năm

Nhiều người Trung Quốc có cảm giác như 4 năm trước và bây giờ là hai thế giới khác biệt. Trong 4 năm qua, đã liên tục có những cú sốc, từ sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, việc đàn áp các doanh nghiệp tư nhân và lệnh phong tỏa kéo dài 3 năm vì Covid-19, tất cả đều là những đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc và cuộc sống của người dân.

Bài đăng của một cư dân mạng nói rằng: “Tình hình hiện nay là lao động đang rẻ, thị trường trì trệ, và cùng với thất nghiệp, cắt lương, cắt giảm nhân sự, thu nhập của hầu hết người dân hiện đã ở mức thấp và cần mua hàng giảm giá, cùng với giá hàng hóa tăng vọt”.

Theo dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng Zhaopin, thu nhập từ lương của gần 1/3 số nhân viên văn phòng cổ cồn trắng đã giảm vào năm 2023, từ ngành bất động sản đến công nghệ và tài chính.

Các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy các nhà máy và văn phòng Trung Quốc hiện tập trung vào việc cắt giảm nhân sự hơn là tuyển dụng. Số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy người dân đang bi quan về triển vọng thu nhập trong tương lai.

Có thể sẽ có nhiều biện pháp kích thích hơn nữa và Bắc Kinh đã thông báo rằng Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào tháng 7. Nhưng tình hình rất khó có thể thay đổi, vì vấn đề của kinh tế Trung Quốc có liên quan đến cơ cấu nhân khẩu học, nợ nần và dư thừa công suất, và chúng đều là các vấn đề không dễ giải quyết.

Ông Anthony Saich, giáo sư về chính quyền Trung Quốc tại Đại học Harvard, người thường xuyên đến Trung Quốc kể từ năm 1976, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy hoặc nghe thấy sự thất vọng và tức giận dữ dội như vậy trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc”.

Thậm chí, tâm trạng tồi tệ trong xã hội Trung Quốc đã lan sang thế hệ tiếp theo.

Vào ngày 18/5, ông Peng Zugui, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Tây Trung Quốc thuộc Đại học Tứ Xuyên, đã đăng trên Weibo rằng trong số 54 học sinh trong một lớp học ở một trường cấp 2 ở Thành Đô, 18 em bị trầm cảm và 5 em bị trầm cảm nặng.

“Học sinh cấp hai ở Thành Đô bị trầm cảm hơn năm ngoái!”

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Thất nghiệp cao, người Trung Quốc không dám kết hôn