Tiền duyên giữa Đường Huyền Tông và chùa Hồi Hướng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không ngờ Hoàng đế Đường Huyền Tông lại có tiền duyên sâu xa với một ngôi chùa vốn không ở nhân gian.

Vào năm cuối Khai Nguyên, Hoàng đế Đường Huyền Tông từng có một giấc mộng kỳ lạ. Trong mộng ông thấy có người đến nói với ông rằng: “Xin bệ hạ hãy mang 500 chiếc khăn tay và 500 áo cà sa đến bố thí cho các tăng nhân chùa Hồi Hướng”.

Sau khi tỉnh dậy, hoàng đế hỏi những cận thần bên mình rằng chùa Hồi Hướng nằm ở phương nào. Nhưng tất cả đều lắc đầu, trước nay chưa có ai nghe nói đến ngôi chùa nào có tên gọi như vậy. Đường Huyền Tông liền treo bảng tìm một nhân sĩ có đạo hạnh cao thâm có thể thay mặt hoàng đế đi tìm chùa Hồi Hướng.

Khi ấy, một vị tăng nhân vân du trong dân gian tự tiến cử mình lên hoàng đế. “Xin bệ hạ yên tâm, bần tăng biết chùa Hồi Hướng ở đâu, có thể đảm nhận trọng trách này”.

Đường Huyền Tông hỏi vị tăng nhân có cần tùy tùng đi theo hỗ trợ không. Tăng nhân đáp: “Đa tạ bệ hạ, bần tăng chỉ cần mang theo lễ vật bố thí cùng với một cân hương trầm là có thể lập tức lên đường”.

Sau đó, vị tăng phụng mệnh hoàng đế, mang theo khăn tay, áo cà sa và hương trầm một mình tiến vào núi Chung Nam.

Sau hai ngày trèo non lội suối, tăng nhân đến một nơi địa hình hiểm trở, cảnh vật hoang sơ không có dấu chân người. Ông cứ đi mãi, đi mãi, đột nhiên thấy trước mặt xuất hiện một chiếc cối xay lớn bằng đá. Ông kinh ngạc tự hỏi: “Nơi đây không có người cư trú, vì sao lại có một vật như thế này tồn tại?”

Ông liền thắp ba nén hương trầm đặt trên chiếc cối xay và quỳ xuống chắp tay khấn vái. Suốt từ buổi trưa cho đến khi tối mịt, ông cứ không ngừng cầu nguyện như thế, lễ bái như thế, cầu xin Đức Phật từ bi khải thị. Bỗng từ thung lũng dâng lên một làn sương mờ ảo, sương mù dày đặc đến mức không thể nhìn rõ ngay cả những vật gần trong gang tấc. Một lúc lâu sau sương mới dần dần tan đi, trên lưng chừng núi thấp thoáng hiện ra cây cột màu đỏ nổi bật trên nền tường trắng tinh khôi. Cảnh tượng tráng lệ đẹp như tranh vẽ, hình ảnh ban đầu mờ ảo sau đó dần dần trở nên rõ nét. Đó là một ngôi đền nguy nga sừng sững giữa mây ngàn, trên cổng vào có tấm biển lớn đề hai chữ: “Hồi Hướng”.

Vị tăng nhân mừng rỡ chạy một mạch lên núi, chẳng bao lâu sau đã đến trước cổng chùa.

Lúc này mặt trời đã ngả về tây, trong ánh hoàng hôn lặng lẽ vang lên tiếng chuông khánh và tiếng các nhà sư đang tụng kinh niệm Phật. Vị hòa thượng giữ cổng ra mở cửa và dẫn ông vào trong chùa, đưa ông đến gặp một lão hòa thượng.

Lão hòa thượng nói: “Đường Hoàng đế vạn phúc!”, rồi cử người dẫn tăng nhân đến từng phòng phân phát khăn tay và áo cà sa. Vị tăng nhân đi khắp một lượt quanh chùa, cuối cùng đến trước một căn phòng không có người ở, bên trong chỉ có một chiếc giường đã lâu không có ai nằm. Lúc này trong tay tăng nhân chỉ còn thừa lại một chiếc khăn tay và một áo cà sa.

Vị tăng nhân vẫn chưa hết bối rối, không hiểu vì sao lại như thế. Lão hòa thượng thấy vậy thì chỉ khẽ mỉm cười và mời ông ngồi xuống. Sao đó ngài quay sang nói với thị giả: “Con hãy đến căn phòng trống ban nãy và cầm cây sáo lại đây cho ta”.

Lát sau thị giả trở lại, mang theo một cây sáo ngọc trong tay.

Lão hòa thượng nói: “Cây sáo ngọc này tên là Ma Diệt Vương (磨滅王), từng là vật thiết thân của Huyền Tông Hoàng đế. Năm xưa khi ngài vẫn còn ở trong chùa, ngài ấy vì quá say mê thổi sáo nên đã bị biếm xuống nhân gian. Đây chính là cây sáo mà ngài ấy thường hay thổi, căn phòng trống mà thánh tăng vừa thấy ban nãy cũng là phòng của ngài ấy. Đến nay trong nước sắp xảy ra nội loạn, vô số người sẽ phải bỏ mạng, cây sáo ngọc này cũng nên trở về với chủ nhân của nó, vậy phiền thánh tăng hãy mang về trả lại cho Hoàng đế”.

công năng đặc dị
Chân dung Đường Huyền Tông. (Ảnh miền công cộng)

Dừng lại một lát, lão hòa thượng lại hỏi: “Thánh tăng đã gặp qua vị Hồ tăng đó hay chưa?”

Vị tăng nhân đáp: “Bần tăng đã gặp qua rồi”.

Hôm sau, lão hòa thượng mời tăng nhân ở lại dùng bữa và nói với ông: “Đã đến lúc thánh tăng nên trở về rồi, phiền ngài hãy giao lại cây sáo ngọc cho Hoàng đế Huyền Tông. Còn chiếc khăn tay và áo cà sa này thì hãy để ngài ấy tự mình giữ lấy”.

Vị tăng nhân thi lễ cảm tạ và cáo biệt lão hòa thượng. Vừa mới ra khỏi cổng chùa được vài bước, ông lại thấy mây mù từ bốn phía dâng lên rồi tụ lại, một lát sau mây tản đi, cảnh vật lại trở về như lúc ban đầu. Ngoảnh đầu nhìn lại, đã không còn nhìn thấy chùa Hồi Hướng ở nơi nào nữa.

Vị tăng nhân trở về, mang theo khăn tay, áo cà sa và cây sáo vào cung dâng lên Đường Huyền Tông, sau đó kể lại toàn bộ mọi chuyện cho Hoàng đế nghe. Huyền Tông cảm khái cầm cây sáo lên thổi, một giai điệu du dương vang lên, trong lòng ông trào dâng một cảm giác quen thân khó tả, giống như ông đã từng thổi cây sáo đó vậy.

Hơn hai mươi năm sau loạn An Sử nổ ra, “Hồ tăng” mà lão hòa thượng chùa Hồi Hướng nhắc đến chính là An Lộc Sơn. Xem ra trong u minh hết thảy đều có định số, loạn An Sử kéo dài 7 năm đã tàn phá đất nước, tình hình rối ren hỗn loạn, Đường Huyền Tông phải rời cung điện bỏ chạy vào đất Thục, âu cũng là định số đã an bài.

(Nguồn tư liệu: “Thái Bình Quảng Ký”)

Theo Hiểu Huy - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tiền duyên giữa Đường Huyền Tông và chùa Hồi Hướng