‘Trắng bệch’ một góc phổi vì dùng điều hoà không khí sai cách

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời tiết nắng nóng và oi bức bất thường so với trung bình nhiều năm khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm lạnh tại nhà tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nếu các thiết bị này không sử dụng trong thời gian dài hoặc sử dụng trực tiếp mà không vệ sinh sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khoẻ.

Bệnh viện Đại học Nam Hoa (Trung Quốc) đã tiếp nhận hai bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi Legionella. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến điều hoà không khí.

- Trường hợp thứ nhất:

Chị Bân (32 tuổi) xuất hiện triệu chứng ho, có đờm, sốt cao, ớn lạnh, nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng khác.

Bệnh nhân cho biết không sử dụng và vệ sinh máy điều hòa trong nửa năm, nhưng gần đây, chị đã sử dụng nó khoảng hai ngày. Sau một tuần, chị xuất hiện các triệu chứng như đã nêu.

Bác sĩ Liễu Gia, người điều trị trực tiếp cho chị Bân, dựa vào tình trạng ho ra đờm màu đỏ cam cùng các biểu hiện trong và ngoài phổi, chẩn đoán chị mắc bệnh viêm phổi nặng do vi khuẩn Legionella. Sau khi dùng thuốc, sức khoẻ của bệnh nhân đã cải thiện.

Qua tìm hiểu, bác sĩ cho rằng máy điều hoà lâu ngày không vệ sinh có thể là nguồn lây truyền vi khuẩn, bệnh nhân đã hít phải khí dung có chứa Legionella và bị nhiễm trùng trong quá trình sử dụng.

- Trường hợp thứ hai:

Ông Nghị (55 tuổi) có tiền sử mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh thận do tiểu đường tuýp 2 và suy thận mãn tính.

Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng sốt dai dẳng, ớn lạnh và ho liên tục 4 ngày. Kiểm tra cho thấy, phổi của bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng.

Ông Nghị cho biết trước thời điểm nhập viện, ông từng lái xe đi công tác khoảng một tuần. Vì trời nắng nóng, nên ông đã bật điều hoà trong ô tô, vốn đã không vệ sinh lâu ngày.

Tình trạng này diễn ra liên tục trong một tuần, mỗi ngày ông ngồi trên ô tô suốt 10 tiếng đồng hồ.

Sau khi trở về, ông bị sốt, ho và có các triệu chứng giống cảm lạnh. Ông được xác định bị nhiễm vi khuẩn Legionella gây viêm phổi.

Nhiễm trùng Legionella

Nhiễm trùng Legionella là một căn bệnh lây qua đường không khí. Vi khuẩn này nhỏ đến mức nó có thể di chuyển bên trong những giọt nước nhỏ như sương mù và hơi nước. Một người có thể hít phải những giọt nước đó, cho phép vi khuẩn xâm nhập vào phổi.

Viêm phổi do Legionella là một bệnh nặng. Nguyên nhân là do vi khuẩn Legionella pneumophila gây ra. Nó cũng gây ra một căn bệnh khác gọi là sốt Pontiac.

Tuy nhiên, sốt Pontiac là một căn bệnh giống cúm nhẹ và ít nghiêm trọng hơn nhiều so với bệnh Legionnaires. Các triệu chứng của Legionnaires có thể mất tới 2 tuần, nhưng tiềm ẩn rủi ro đối với tính mạng.

Sau 10 ngày kể từ thời điểm xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn Legionella sẽ phát triển và gây bệnh viêm phổi.

Các triệu chứng lâm sàng bao gồm các triệu chứng hô hấp không đặc hiệu như sốt, ho, đờm và khó thở, cũng như đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, ớn lạnh, mệt mỏi, đau ngực.

Nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến một số biến chứng đe dọa tính mạng như suy hô hấp, mất nước, sốc nhiễm trùng, suy thận cấp, bệnh não, viêm mủ màng phổi, viêm cơ tim, tiêu cơ vân.

Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể dẫn đến sốc hoặc thậm chí tử vong.

Các nhóm nguy cơ cao dễ mắc bệnh viêm phổi do Legionella bao gồm nhóm suy giảm miễn dịch, người trung niên và người cao tuổi, bệnh nhân mắc các bệnh tiềm ẩn như bệnh tim, phổi, thận mãn tính, người cư trú dài hạn và phụ nữ mang thai.

Chìa khóa để ngăn ngừa bệnh viêm phổi Legionella trong mùa hè là giữ gìn vệ sinh môi trường, thường xuyên làm sạch và khử trùng máy điều hòa, phòng tắm và những nơi khác mà Legionella có khả năng sinh sản và tránh bơi trong bể bơi không được khử trùng.

Dưới đây là một số biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Legionella tại nhà:

  • Vệ sinh vòi rửa và máy lọc nước

Khi hệ thống sinh hoạt không được sử dụng trong một khoảng thời gian, vi khuẩn Legionella có thể phát triển trong vùng nước đọng.

Để ngăn chặn vi khuẩn, trước khi khởi động lại hệ thống, bạn nên vệ sinh bộ lọc nước cẩn thận và thay thế nếu cần thiết.

  • Thường xuyên xả sạch các nguồn nước

Thường xuyên xả sạch các nguồn nước ít sử dụng.

Nên xả chúng ít nhất một lần một tuần, trong khoảng 2 - 3 phút.

  • Khử trùng bồn nước nóng

Nước đọng trong đường ống kết hợp với độ ẩm trong phòng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn này phát triển.

Bồn tắm nước nóng cần được trang bị bộ lọc hoặc được làm sạch và khử trùng định kỳ.

  • Khử trùng hệ thống điều hòa

Legionella cũng có thể phát triển trong các ống dẫn của hệ thống điều hòa không khí.

Mặc dù điều này không phổ biến trong các hệ thống dân cư, nhưng để giảm thiểu nguy cơ, bạn nên vệ sinh bộ lọc của hệ thống điều hòa và các bộ phận bên trong như quạt và khoang bên trong.

Máy điều hòa không khí nên được vệ sinh ít nhất 3 tháng/lần, nhưng điều quan trọng nhất là sau một thời gian không sử dụng, bạn phải vệ sinh trước khi khởi động lại hệ thống.

Đồng thời, duy trì thói quen sinh hoạt tốt, uống nước đun sôi, duy trì thông gió trong nhà, tăng cường thể chất và khả năng miễn dịch cá nhân, chú ý vệ sinh cá nhân để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Chấn Hưng (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

‘Trắng bệch’ một góc phổi vì dùng điều hoà không khí sai cách