Trên Nhân pháp có Thiên pháp: Vụ án trả bạc thời nhà Thanh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa tin rằng trên “nhân pháp” còn có “Thiên pháp”. Quan huyện xử án không chỉ căn cứ theo pháp luật đương triều mà còn xem xét tình huống thực tế, bên cạnh chữ Lý còn có chữ Tình. Vụ án Hoàng Trung trả bạc thời nhà Thanh chính là một câu chuyện như thế.

Không tham của rơi, trả người đánh mất

Vào một ngày trong tháng Ba năm Thuận Trị thứ mười (năm 1653), một người nông dân ở huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến tên là Hoàng Trung, cùng con trai là Hoàng Tiểu Tam chèo thuyền đến cổng phía đông thành Chương Châu. Đến nơi, hai cha con neo thuyền ở bến đò ven sông rồi ăn chút gì lót dạ, sau đó cả hai cùng vào thành mua phân bón.

Khi ra nhà vệ sinh lấy phân, họ thấy trên mặt đất có một chiếc túi đeo hông ai đó bỏ quên. Nơi đây người qua kẻ lại vô số, thật khó tìm ra chủ nhân của chiếc túi, vậy nên hai cha con chỉ còn cách mang nó lên thuyền. Hoàng Trung thấy chiếc túi nặng trịch bèn tò mò mở ra xem, phát hiện bên trong có sáu gói bạc nhỏ, tổng cộng có tất cả 60 lạng bạc nén.

Hoàng Trung nói với con trai: “Người giàu thường không quấn bạc bên hông, chỉ có những người nghèo mới quan niệm ‘đồng tiền liền khúc ruột’. Chắc hẳn vị chủ nhân ấy coi số bạc này là tính mạng của mình nên mới làm như thế. Cha con ta đều là đấng nam nhi, sao có thể tham lam nhặt được của rơi liền đút túi cho được? Theo ý cha, chúng ta nên đợi người chủ quay lại và trả cho họ”.

Hoàng Tiểu Tam nghe cha nói, thầm nghĩ: Cha thật là kẻ đại ngốc! Của đến tay mà còn không muốn, sướng không thích sướng lại cứ thích khổ! Ngân lượng trắng lấp lánh thế này ai mà chẳng ham, lại còn định ngồi đây chờ người ta quay lại! Tiểu Tam bất mãn, liền một mình trở về nhà trước.

Con trai đi rồi, Hoàng Trung vẫn ngồi yên kiên nhẫn chờ đợi người chủ mất đồ quay lại. Rất lâu sau có một cậu thanh niên hớt hơ hớt hải chạy đến, ngó đông ngó tây, đảo mắt khắp mọi ngóc ngách như đang tìm thứ gì đó. Anh ta tìm một hồi chẳng thấy liền gào lên thảm thiết, bộ dạng trông vô cùng thê thảm.

Hoàng Trung bèn gọi người ấy lại, hỏi anh ta vì sao lại khóc đến thất thanh như vậy. Anh ta đáp:

“Bọn cướp vu khống cha tôi là đồng đảng của chúng, cha tôi bị quan phủ bắt giam, hiện đang ở trong nhà lao Chương Châu. Tôi vì muốn cứu cha mà phải đôn đáo khắp nơi, khó khăn lắm mới liên hệ được một vị chức sắc, nhờ ông ấy đến nha môn giúp đỡ. Vị trưởng quan ấy đã nhận lời rồi, nhưng tôi vẫn cần phải có 120 lượng bạc trắng làm tiền bảo lãnh cho cha. Tôi đã phải bán hết cả nhà cửa vườn tược, vay mượn thêm cả bạn bè và họ hàng thân thích, nhưng cũng chỉ lo liệu được một nửa”.

“Tôi đã nghĩ, nộp xong 60 lạng bạc ấy tôi sẽ lại liều mình gom góp thêm cho đủ số tiền bảo lãnh. Sáng nay tôi giấu bạc trong chiếc túi đeo hông, khi vào nhà vệ sinh tôi cởi túi ra đặt tạm ở đó, nhưng vì quá rối trí nên tôi quên mất cái túi, thế là toàn bộ số tiền đều mất sạch. Tôi chết không có gì đáng tiếc, nhưng mất số bạc ấy rồi tôi sẽ phải lấy gì để cứu cha đây? Làm sao cho cha tôi tránh khỏi tội chết?”

Nói xong, anh ta nghẹn ngào nước mắt tuôn như mưa. Hoàng Trung lại hỏi anh ta rằng chiếc túi màu gì và bên trong có bao nhiêu ngân lượng, tất cả đều trùng khớp với chiếc túi mà hai cha con nhặt được. Hoàng Trung mừng rỡ nói: “Cậu đừng lo lắng nữa, số bạc ấy không hề mất mà đang ở chỗ tôi đây, tôi đã ngồi đây đợi cậu lâu lắm rồi”.

Chàng thanh niên tròn mắt kinh ngạc. Anh nhận lại chiếc túi đeo hông và mở ra xem, thấy toàn bộ ngân lượng vẫn còn nguyên vẹn. Anh vô cùng cảm kích bèn lấy ra một gói bạc nhỏ, bên trong có mười hai ngân lượng, kính cẩn dâng lên Hoàng Trung để tạ ơn. Hoàng Trung xua tay nói: “Nếu tôi có lòng tham thì ngay từ đầu đã lấy cả sáu gói kia rồi, như thế chẳng phải vẫn hơn lấy một gói này sao?”

Trời ban của báu

Hoàng Trung trả lại chiếc túi tận tay người đánh mất rồi mới yên tâm chèo thuyền quay về. Thuyền đi được nửa đường thì đột nhiên trời nổi cơn giông tố, mưa gió dữ dội khiến con thuyền không thể đi tiếp được nữa. Hoàng Trung bèn táp thuyền vào bờ, nghỉ lại bên một thôn làng hoang vắng. Mưa rơi xối xả cuốn trôi đất cát, sau đó “ầm” một tiếng, bờ sông sụp xuống một mảng lớn, chỗ đất lở để lộ ra một chiếc hũ đã cũ, miệng hũ bị bịt kín không thể mở ra được.

Hoàng Trung thầm nghĩ: Ở nơi hoang vắng thế này sao lại có một vật như thế nhỉ? Chiếc hũ dù cũ nhưng vẫn còn lành lặn, vứt đi thật là phí hoài, hay là ta cứ đem nó về nhà, ít ra vẫn còn đựng gạo được.

Nhưng chiếc hũ rất nặng, ông phải dồn hết sức lực mới có thể nhấc nó lên thuyền. Hoàng Trung lại chờ cho tới khi mưa tạnh gió ngừng rồi lại tiếp tục chèo thuyền về Long Khê.

Lại nói, con trai ông là Hoàng Tiểu Tam vừa về đến nhà liền kể lại cho mẹ nghe toàn bộ câu chuyện, rằng cha nhặt được bạc mà không lấy, lại còn cố chấp phải trả cho người đánh mất mới chịu về. Hai mẹ con bực bội không ngớt lời chê trách Hoàng Trung. Vì thế, đến đêm khi nghe tiếng Hoàng Trung gõ cửa, cả hai đều nằm lì trên giường không chịu dậy mở cửa cho ông.

Hoàng Trung nhanh trí nói với hai mẹ con: “Mẹ nó ơi, tôi tìm thấy một cái hũ lớn, bên trong toàn là của báu. Nhưng mà nó nặng lắm, một mình tôi không khiêng được, hai mẹ con mau mau ra đỡ bố một tay”.

Hai mẹ con vui mừng quá đỗi, liền vội vàng trở dậy ra mở cửa. Dưới ánh trăng vằng vặc, chiếc hũ lấp lánh như tuyết trắng trong đêm. Ba người cùng nhấc vào nhà rồi lấy dao cạy mở lớp thiếc bịt kín trên miệng. Vốn dĩ Hoàng Trung chỉ có ý nói đùa với hai mẹ con, nhưng không ngờ khi mở ra xem thử, thấy bên trong đều là ngân lượng trắng sáng, ước chừng có tới một ngàn lượng bạc.

Lần này đến lượt Hoàng Trung ngỡ ngàng, sự việc kỳ lạ như thế thật khó tin lại là sự thật. Một lúc lâu sau ông mới định thần lại, biết rằng đây không phải là giấc mơ.

Huyện lệnh công minh xử án

Nhưng điều mà ba người không ngờ tới lại nằm ở phía sau. Nhà họ Hoàng và hàng xóm chỉ cách nhau một bờ lau sậy, trong đêm thanh vắng cuộc chuyện trò của nhà họ Hoàng đều lọt cả vào tai hàng xóm. Sáng sớm hôm sau, người hàng xóm lấy tội danh “đào kho báu trái phép” tố cáo Hoàng Trung lên công đường.

Huyện lệnh huyện Long Khê nhận được đơn tố cáo, liền hạ lệnh bắt giữ Hoàng Trung áp giải về nha môn để tra hỏi. Hoàng Trung không hề giấu giếm, bèn kể lại ngọn nguồn tất cả mọi chuyện cho huyện lệnh nghe. Huyện lệnh Long Khê nghe xong, cảm thán nói rằng: “Người hành thiện nhất định sẽ được thiện báo. Số bạc này là Thượng thiên ban cho người hiền lương, sao có thể chia cho kẻ khác được!”

Luật lệ Đại Thanh quy định rằng: Nhặt được của rơi thì phải đưa đến quan phủ trong vòng năm ngày, nếu đào được tiền tài hoặc kho báu vô chủ trong địa phận của người khác thì phải chia đôi với chủ nhân của mảnh đất ấy. Người hàng xóm tham lam cũng muốn được chia phần kho báu với Hoàng Trung, nào ngờ huyện lệnh lại căn cứ theo Thiên lý “thiện hữu thiện báo”, thi ân bên ngoài pháp luật, tuyên bố rằng Hoàng Trung xứng đáng được hưởng toàn bộ số ngân lượng ấy.

(Nguồn tư liệu: “Thanh triều lịch sử oan án tập” - “Vụ án Hoàng Trung trả bạc lại được bạc”)

Theo Đỗ Nhược - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trên Nhân pháp có Thiên pháp: Vụ án trả bạc thời nhà Thanh