Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (29): Ba vị “khách quý” - Động đất Đường Sơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới cái nóng bức giữa mùa hè, trong căn phòng giam chật chội đông đúc này, tất cả chúng tôi đều ớn lạnh trước tình cảm nồng ấm của đảng...

Hôm nay đã là thứ Bảy, các phạm nhân đều mong đến hai ngày cuối tuần để được tạm thời thả lỏng, không phải ngồi mãi trên ván nữa. Chúng tôi xem TV, chơi bài, đánh cờ, lao mình vào các trò tiêu khiển để quên đi chốn địa ngục trần gian này.

Bàn cờ tướng là những quân cờ làm từ nắp chai Coca, chỉ cần lật ngược lên rồi nhét mẩu giấy viết chữ vào là có thể chơi được. Đã mười mấy năm rồi tôi chưa động đến cờ tướng, lúc mới bắt đầu tay vẫn còn gượng gạo, nhưng khi đi đã bắt nhịp rồi thì các bạn tù không ai là đối thủ của tôi. Hễ hạ quân cờ, không chỉ thấy thời gian qua rất nhanh mà tinh thần cũng có nơi gửi gắm.

***

Đến bữa ăn, Đường Sơn ngồi thẫn thờ trên một đầu tấm ván, mắt chằm chằm nhìn vào vách ngăn, trên vách ngăn là bát rau cùng với chiếc bánh bao của cậu ấy. Đường Sơn cứ ngồi đó đờ đẫn một hồi lâu, mặc cho các bạn tù bên cạnh vẫn hùng hục ăn như thể cậu ta không tồn tại vậy.

Tôi lay lay anh Hàn, anh Hàn nói: “Chắc là Đường Sơn lại nhớ đến anh trai rồi”.

Đường Sơn và anh trai đến Bắc Kinh chơi một chuyến, anh trai Đường Sơn vô tình đụng độ một cậu tiểu tử khiến ngón tay út của cậu tiểu tử kia sưng phù. Cậu ta liền gọi các nhân viên bảo an đến bắt cả hai anh em đến đồn cảnh sát. Mãi đến lúc này họ mới biết gã tiểu tử đó là cảnh sát mặc thường phục! Kỳ thực cuộc đụng độ này không phải là đánh nhau, nhưng cảnh sát vẫn bắt giam cả hai anh em, lấy lý do là “ngón tay bị bẻ gãy đến tổn thương”, và gán tội danh hai anh em là “cản trở người thi hành công vụ”.

Vừa bị bắt vào nhà lao, hai anh em liền bị chia tách mỗi người một nơi. Sau này Tính Bệnh được điều chuyển đến đây, kể rằng phòng cũ của cậu ấy “tẩu bản nhi” (đánh bạn tù) khiến một người tử vong. Mọi người hỏi tên mới biết: thì ra đó chính là anh trai của Đường Sơn!

Trong trại giam Hải Điến có một quy tắc bất thành văn: Hễ trong phòng có người chết thì phải lập tức phân tán các phạm nhân trong phòng để tiêu hủy chứng cứ. Nhưng làm như thế cũng đồng thời khiến tin tức lan truyền ra ngoài. Đường Sơn nhiều lần đi tìm quản giáo nhưng quản giáo đều thoái thác, cuối cùng họ vừa khuyên răn, vừa cấm đoán không cho Đường Sơn lan truyền trong phòng.

***

Sau bữa cơm, anh Hàn có ý tốt an ủi Đường Sơn bằng một điếu thuốc. Đường Sơn nói: “Anh Hàn, hôm nay là ngày 28/7, vậy là tròn 25 năm động đất ở Đường Sơn”.

Anh Hàn nói: “Ồ, thế ra vừa nãy chú em tưởng niệm những người đã khuất đó hả?”

Đường Sơn gật đầu. Anh Hàn lại nói: “Lúc ấy anh cũng có mặt ở Đường Sơn, không ngờ Tử Thần lại kén chọn mạng ghê! Mùa hè năm ấy thời tiết Bắc Kinh rất nóng, thế là anh đến thăm người dì ở Đường Sơn. Lần ấy suýt chút nữa anh đã bị chôn vùi dưới bức tường rồi! Mấy ngày đầu nóng đến mức anh phải xuống đất nằm sát cạnh chân tường cho mát. Nhưng riêng đêm ấy chẳng hiểu sao anh lại không muốn ngủ ở đó nữa, liền ra ngoài, thế là may mắn tránh được một nạn”.

Đường Sơn hỏi: “Nhà cửa ở đó chẳng phải cũng bị sập sao?”

Anh Hàn đáp: “Anh ở mỏ đông Đường Sơn, đây là những căn nhà tây lợp mái tôn của người Anh hồi ấy. Có cả thảy ba dãy nhà, nhưng chỉ riêng dãy ở giữa là không sập. Thế ở chỗ chú em có chết nhiều người không?”

“Chỗ tôi là huyện Thanh Long, đã dự báo trước động đất nên không ai thiệt mạng. Nhưng những thân nhân của tôi ở Đường Sơn gần như đều bị đè chết hết”.

“Hả? Thanh Long có dự báo á?” Anh Hàn bắt chước giọng Đường Sơn khiến mọi người đều bật cười.

Đường Sơn ngạc nhiên hỏi lại: “Anh không biết sao?”

Anh Hàn lại bắt chước giọng Đường Sơn nói tiếp: “Anh nào đâu có biết!”

Đường Sơn lại hỏi: “Người Mỹ, vụ động đất Đường Sơn đã được dự đoán trước nhưng chính quyền lại không cho báo cáo, chuyện này anh có biết không?”

Tôi lắc đầu.

Đường Sơn cười gượng. “Trước khi địa chấn xảy ra, cả huyện chúng tôi đều được báo trước. Mặc dù cơn chấn Thanh Long làm sập 18.000 ngôi nhà, có 7000 gian mà cả bốn bức tường đều đổ xuống đất, nhưng trong huyện lại không một ai bị thương vong! Huyện trưởng Nhiễm Quảng Kỳ đúng là ân nhân của chúng tôi. Lúc ấy cấp trên gây áp lực không cho báo cáo, nhưng huyện trưởng Nhiễm vẫn kiên quyết nói rằng: Dẫu có bị ‘ngồi xổm trên tòa’ (ngồi tù) thì cũng phải báo! Cha tôi làm ở ủy ban huyện nên biết được việc này. Nhưng còn Đường Sơn thì sao? Hai tuần trước khi xảy ra động đất, thành phố Đường Sơn đã mở ‘Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị và đề phòng địa chấn’, có chuyên gia còn dự báo rằng từ ngày 22/7 đến ngày 5/8 Đường Sơn sẽ xảy ra động đất. Chính quyền đã biết trước, vậy mà lại không cho truyền đạt ra bên ngoài! Nhưng huyện chúng tôi vẫn kiên quyết truyền đạt tin tức, nhờ thế mới cứu được vô số mạng người vô tội”.

“Lúc ấy, trong huyện rầm rầm rộ rộ truyền tin suốt cả đêm: Sắp có động đất, không ai được vào nhà ngủ! Trường học của chúng tôi biến thành bệnh viện, loa phóng thanh cả ngày ra rả phát thanh về phòng chống động đất. Chính là nhờ huyện trưởng Nhiễm nên việc phòng chống động đất được tiến hành chu đáo. Còn những huyện khác thì sao? Thành phố Đường Sơn thì sao? Và cả tám hầm mỏ lớn ở Đường Sơn nữa? Trong số những họ hàng của tôi ở Đường Sơn, gần hai mươi thân nhân đều không còn, cuối cùng chỉ còn lại người cậu đã nhiều tuổi của tôi là sống sót”.

Tôi nói: “Tôi từng đọc cuốn sách ‘Đại địa chấn Đường Sơn’, trong đó viết rằng động đất đã làm chết hơn 240.000 người”.

Đường Sơn tức giận: “Thực sự có bao nhiêu người chết? Tôi thấy chính quyền không dám báo cáo. Hoàn cảnh lúc ấy giống như 400 quả bom hạt nhân nguyên tử ở Hiroshima cùng phát nổ một lúc. Anh nói xem, có bao nhiêu người đã chết? Chỉ 240.000 người thôi sao?”

Tôi nói: “Sách viết: động đất Đường Sơn 7,8 độ richter…”

“Gì mà 7,8 độ chứ? Sau này tôi đi làm, báo chí đều viết là 8 độ richter, đến giờ họ lại đổi thành 7,8 độ. Vì sao lại báo là 7,8 độ? Vì đến cấp 8 thì Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế sẽ vào cuộc, mà Mao Trạch Đông lại lo sợ đặc vụ trà trộn vào Trung Quốc”.

Thì ra sự việc là như vậy! Tôi trấn tĩnh lại một chút rồi nói: “Lúc ấy trung ương không chấp nhận viện trợ từ bên ngoài, bị dư luận quốc tế đánh giá là ‘Trung Quốc quá kiêu ngạo’. Sự việc ầm ĩ suốt một thời gian dài, là chuyện như vậy đó”.

“Không muốn nhận viện trợ từ bên ngoài, vậy thì chết bao nhiêu người chứ? Bị thương rồi có cứu được không? Bao nhiêu người chờ được cứu, chờ thuốc, chờ chết?”

Mọi người đều ngây dại, không còn lời nào để nói, ngay cả anh Hàn vốn hay trò chuyện cũng không nói gì thêm nữa.

Dừng lại vài giây, tôi nói tiếp: “Cuốn sách đó còn viết: Ở Cục Địa chấn chỉ có một nhân viên tên là Cảnh Khánh Quốc dự báo được. Ông ấy đưa ra dự báo và chạy đi khắp nơi hô hào. Nhưng vì trước kia ông ấy từng báo cáo sai nên bây giờ không ai nghe nữa, có nói thì cũng chỉ một mình ông ấy nghe, do đó trung ương mới không cho báo cáo”.

Đường Sơn giận dữ: “Nói láo! Cuốn sách ‘Đại địa chấn Đường Sơn’ ấy chỉ toàn thay ĐCSTQ nói những lời nhảm nhí! Gì mà không dự báo ra được? Đều dự báo ra được hết! Trường Trung học Khai Loan số 2 dự báo là chuẩn xác nhất. Cậu của tôi là giáo viên ở trường ấy, dự báo của Tổ Địa chấn trong trường của họ là: Từ cuối tháng 7 đến ngày 5 tháng 8 sẽ có động đất với cường độ từ 7,3 đến 7,7. Cậu tôi đã nói điều này với tôi rất nhiều lần rồi. Gần như tất cả các đài quan trắc của địa khu Đường Sơn đều dự báo được điều này, nhưng ĐCSTQ lại không cho địa phương báo cáo! Thế đấy, ĐCSTQ coi mạng dân như cỏ rác!”

Tôi cố làm dịu cơn phẫn nộ rồi nói: “Tôi nhớ trong cuốn sách ấy còn viết rằng: Người ta đã dự báo được trận động đất ở Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh vào năm 1975, họ dự báo mạnh cấp 7 trở lên, nhờ đó không có thương vong”.

Đường Sơn thở dài: “Tôi đã nhìn thấu cả rồi. Trong trận động đất Hải Thành, người ta cho phép bạn báo cáo thì bạn phải cảm ơn ĐCSTQ, vì đảng đã cứu bạn! Còn trong trận động đất Đường Sơn, người ta không cho bạn dự báo thì bạn vẫn phải cảm ơn đảng, vì đảng đã lãnh đạo cứu trợ thiên tai, xây dựng lại ngôi nhà của bạn. Không chết người - bạn phải cảm ơn đảng, một ngày chết 240.000 người - bạn vẫn phải cảm ơn đảng!”

Anh Hàn hỏi: “Vậy số phận vị huyện trưởng đó thế nào?”

Đường Sơn đáp: “Sau đó chúng tôi chuyển về Đường Sơn, nhưng không thấy tăm tích huyện trưởng Nhiễm ở đâu nữa”.

Anh Trần nói: “Đối đầu với đảng thì có gì tốt?”

“Làm quan ai mà lấy dân làm gốc thì phải về nhà bán khoai lang”. Câu pha trò của anh Hàn cũng không thể làm mọi người vui lên được chút nào. Dưới cái nóng bức giữa mùa hè, trong căn phòng giam chật chội đông đúc này, tất cả chúng tôi đều ớn lạnh trước tình cảm nồng ấm của đảng...

(Còn tiếp)

Theo Diệp Quang - Epoch Times
(Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trốn chạy khỏi Bắc Kinh (29): Ba vị “khách quý” - Động đất Đường Sơn