Trong khi chiến tranh Nga - Ukraine bế tắc, ông Putin đến thăm Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điện Kremlin cho biết, từ ngày 18/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm hai ngày tới Triều Tiên. Khi cuộc chiến ở Ukraine đang đi vào bế tắc, chuyến công du này của người lãnh đạo Nga đã thu hút nhiều sự chú ý.

Đây là chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi của ông Putin kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022. Trong khi đó, ông Kim Jong-un chưa tiếp đón bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào tại Triều Tiên kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19.

Vào tháng 9 năm ngoái khi ông Kim Jong-un đến thăm vùng Viễn Đông của Nga, ông Kim đã mời ông Putin tới thăm Triều Tiên. Lần cuối cùng ông Putin đến thăm Triều Tiên là vào tháng 7/2000.

Điện Kremlin cho biết, theo lời mời của ông Kim Jong-un, ông Putin sẽ thăm Triều Tiên từ ngày 18-19/6.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của nước này là ông Kim Hong-kyun đã có cuộc điện đàm khẩn cấp với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell vào hôm 14/6. Hai ông đã thảo luận về kế hoạch tới thăm Triều Tiên của ông Putin.

Nga và Triều Tiên mỗi bên sẽ có được thứ mình cần?

Kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Nga đã ra sức tuyên truyền về việc mối quan hệ với Triều Tiên đang "phát triển mạnh mẽ" như thế nào. Điều này đã khơi dậy sự cảnh giác của Mỹ và các đồng minh của nước này ở Châu Âu, Châu Á.

Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các nước khác cáo buộc rằng Triều Tiên đã cung cấp viện trợ quân sự khổng lồ cho cuộc chiến của Nga trong những tháng gần đây. Nhưng cả Nga và Triều Tiên đều phủ nhận.

Ông Putin nói, Nga đã rơi vào cuộc đấu tranh sinh tử với phương Tây về vấn đề Ukraine.

Trong khi đó, giới quan sát lo ngại rằng Nga có thể vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế khi giúp Triều Tiên phát triển chương trình vệ tinh quân sự mới.

Tháng 9 năm ngoái, người lãnh đạo Triều Tiên đã đi tàu bọc thép đến thăm vùng Viễn Đông của Nga, và trong thời gian đó ông Kim đã đến thăm một nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu và một cơ sở phóng tên lửa của Nga.

Vào ngày 13/9/2023, ông Putin và ông Kim Jong-un đã gặp nhau và bắt tay tại một bãi phóng của Nga. (Ảnh: Vladimir Smirnov/POOL/AFP via Getty Images)

Các giám sát viên của Liên Hợp Quốc kết luận rằng, vào tháng 1 năm nay, Nga đã phóng ít nhất 1 tên lửa do Triều Tiên sản xuất vào một thành phố của Ukraine. Các quan chức Ukraine cho biết, họ thống kê được Triều Tiên đã cung cấp khoảng 50 tên lửa loại này cho Nga.

Theo tờ báo Rodong Sinmun của chính quyền Triều Tiên, ông Kim Jong-un nói rằng "toàn lực ủng hộ quân đội Nga".

Theo một hãng truyền thông của nhà nước Nga, Điện Kremlin cho biết, Nga muốn xây dựng quan hệ đối tác với Triều Tiên "trong tất cả các lĩnh vực có thể".

Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình

Vài ngày trước cuộc gặp này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Ý. Các nhà lãnh đạo phương Tây đã tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của họ đối với Ukraine và đồng ý sử dụng thu nhập từ những tài sản bị đóng băng của Nga để cung cấp cho Ukraine khoản tài trợ trị giá 50 tỷ USD.

Cuối tuần qua, khoảng 100 quốc gia và tổ chức đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Quốc tế ở Thụy Sĩ nhằm tranh thủ sự ủng hộ cho tầm nhìn về hòa bình của ông Zelensky. Kế hoạch hòa bình của Ukraine là kêu gọi quân đội Nga rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine.

Ông Putin đã từ chối tham dự hội nghị này và tự đưa ra các điều kiện hòa bình, trong đó bao gồm việc Ukraine từ bỏ 4 vùng đất đang bị Nga chiếm đóng và rút đơn xin gia nhập NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Đây đều là những yêu cầu mà cả Ukraine và các đồng minh của họ cho rằng không thể đáp ứng.

Chuyến thăm lần này của ông Putin tới Triều Tiên được nhiều người coi là cơ hội để Tổng thống Nga tìm cách tăng cường sự ủng hộ của ông Kim Jong-un cho cuộc chiến với Ukraine. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng Triều Tiên đã cung cấp đạn dược và tên lửa cũng như máy bay không người lái của Iran để giúp Nga xây dựng lại quân đội.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hồi đầu năm nay cho biết, từ tháng 8 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, Bình Nhưỡng đã vận chuyển khoảng 6.700 container sang Nga, trong đó có thể chứa hơn 3 triệu viên đạn pháo 152 mm, hoặc hơn 500.000 hệ thống phóng tên lửa đa nòng 122 mm.

Nga nói, sẽ hợp tác và phát triển mối quan hệ với Triều Tiên theo cách mà Triều Tiên lựa chọn.

Tháng trước, ông Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh. Ông Putin và ông Tập Cận Bình đã nói rõ rằng, họ cùng phản đối trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Vào tháng 3/2023, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở tại thành phố Hague của Hà Lan đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Cả Nga và Mỹ đều không phải là thành viên của ICC.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trong khi chiến tranh Nga - Ukraine bế tắc, ông Putin đến thăm Triều Tiên