Trong u minh có định số: Hai lần kỳ ngộ gặp âm hồn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhờ hai cuộc gặp gỡ với âm hồn, Mã Đạc đã giải được câu đố và được phong làm tân khoa trạng nguyên. Câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào?

Mã Đạc là một nhân sĩ ở Trường Lạc (nay là huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc). Mặc dù đã nhiều năm đèn sách nhưng Mã Đạc vẫn chưa lập được công danh, mãi đến năm Vĩnh Lạc thứ chín (năm 1411), anh mới có điều kiện lên kinh thành tham gia ứng thí.

Hôm ấy, khi đang vội vã lên đường tới kinh đô, anh nhìn thấy thi thể một người phụ nữ đã chết nằm phơi mình bên lề đường. Dẫu biết rằng người ta sinh tử hữu mệnh, sống có số, chết cũng có số, nhưng phải bỏ mạng ở nơi hoang vu thế này thì thật đáng thương. Mã Đạc không đành lòng, bèn cởi chiếc áo đang mặc đắp lên tử thi và đưa tử thi đến gần một ngôi mộ cổ để an táng. Sau khi vái lạy hương hồn người đã khuất, anh lại trở dậy tìm đường lên kinh.

Nhưng khi vừa đứng dậy, Mã Đạc mới sực nhớ ra đây chỉ là vùng đất hoang vu, xung quanh là đồng không mông quạnh, bốn bề màn đêm bao phủ. Trong lúc bối rối không biết đi đâu tìm chỗ nghỉ, anh bỗng nhìn thấy ở xa xa có ánh đèn le lói. Thì ra đó là túp nhà tranh ẩn hiện giữa hàng cây thưa thớt.

Mã Đạc lấy hết sức can đảm đến gõ cửa xin ngủ nhờ, nào ngờ người bước ra mở cửa là một thiếu phụ mặc áo trắng. Người thiếu phụ ấy đoan trang nền nã, sau khi hỏi rõ duyên cớ cô liền đồng ý cho vị khách lạ mặt tá túc qua đêm. Mã Đạc có phần do dự: Trong nhà chỉ có một người phụ nữ, còn anh là phận trai, nam nữ thụ thụ bất thân sao có thể qua đêm cùng một nhà? Nhưng khốn nỗi trời đã tối mịt, biết đi đâu tìm chỗ dừng chân bây giờ? Hơn nữa anh cả ngày rong ruổi trên đường, thân thể đã quá mỏi mệt, vậy còn cách nào khác đây? Mã Đạc đành miễn cưỡng vào trong nhà, vừa đi vừa cúi gằm mặt xuống không dám ngẩng lên nhìn gia chủ. Anh bước vào phòng khách, đặt vội hành lý lên bàn rồi gục đầu xuống ngủ, rất nhanh chìm vào cơn mộng mị.

Đến khi anh tỉnh dậy thì trời đã dần tảng sáng. Mã Đạc vội vàng cảm ơn thiếu phụ và lại gấp rút lên đường. Người thiếu phụ không đáp lời mà chỉ ngâm nga một bài tứ tuyệt:

“Hàn dạ đa mông đáo thiếp gia
Lô trung vô hỏa vị phanh trà
Lang quân thử khứ đăng kim bảng
Vũ đả vô thanh cổ tử hoa”

Tạm dịch:

Đêm lạnh tối tăm khách đến nhà
Trong lò không lửa chẳng pha trà
Lang quân lần này đăng kim bảng
Mưa rơi không tiếng hoa cổ tử.

Mã Đạc cúi đầu bước ra khỏi cửa, bốn câu thơ vẫn cứ văng vẳng bên tai. Anh cảm thấy ba câu thơ đầu khá dễ hiểu, duy chỉ có câu cuối là mơ hồ khó lý giải. Anh muốn hỏi lại cho rõ, nhưng vừa quay đầu liền giật mình kinh ngạc: Nhà tranh ở đâu? Thiếu phụ đã đi đâu mất rồi? Chỉ thấy bên dưới cành lá sum sê là một nắm đất vàng, nơi anh nằm ngủ đêm qua không phải phòng khách mà chỉ là một tảng đá lớn bên cạnh ngôi mộ cổ!

Mã Đạc cảm thấy kỳ lạ, nhưng vì ngày thi sắp đến, đường xá lại xa xôi, anh đành gác lại mọi chuyện rồi hối hả lên đường.

Trước mặt Mã Đạc lại hiện ra một cánh đồng mênh mông, các thửa ruộng nằm san sát nhau, lối đi là bờ ruộng ngang dọc giao nhau. Lối đi này rất hẹp, chỉ vừa đủ chỗ cho một người qua lại. Mã Đạc đang rảo bước thì đột nhiên thấy một phụ nữ nông dân gánh củi tiến tới chắn ngang trước mặt. Mã Đạc định tránh bước nhường đường, nhưng muốn vậy lại phải lùi xa hơn nửa dặm nên trong lòng có phần do dự.

Người phụ nữ kia dường như đọc được suy nghĩ của anh, liền chủ động lên tiếng: “Hẳn là tiên sinh đang vội vã lên kinh ứng thí? Vậy thế này đi, tôi sẽ đưa ra một vế đối, nếu tiên sinh có thể đối lại được thì tôi sẵn sàng lội bùn lội nước nhường đường cho tiên sinh. Còn nếu không đối được, vậy tiên sinh phải lựa chọn hoặc là xuống ruộng, hoặc quay về. Tiên sinh thấy sao?”

Mã Đạc nghĩ: "Ta đã bao nhiêu năm dày công đèn sách, nay mà không ứng đáp được câu đối của nông phụ thì ta còn vào kinh ứng thí làm gì?" Nghĩ vậy anh liền vui vẻ nhận lời.

Người phụ nữ kia liền giơ một chân lên nói với Mã Đạc: “Con gái tôi rất giỏi thêu thùa, đặc biệt yêu thích thêu hoa cúc. Con gái tôi làm hai đôi giày, một đôi cho nó, còn một đôi cho tôi như ngài đang thấy đây. Có điều là, trên đôi giày của mình nó thêu hoa cúc, còn trên đôi giày của tôi chỉ thêu mỗi nhụy cúc. Tôi hỏi con gái vì sao lại thế, nó nói: ‘Mẹ ngày nào cũng ra đồng từ sáng tinh mơ, cỏ hai bên đường đọng bao nhiêu sương sớm, nhụy gặp sương chẳng phải sẽ nở hoa sao?’ Nhưng tiên sinh nhìn xem, nhụy hoa cúc trên giày của tôi mãi vẫn không chịu nở hoa! Nay xin được lấy câu chuyện ấy để ra vế đối rằng: ‘Thanh hài tú cúc, triêu triêu thích lộ nhụy nan khai’ (giày xanh thêu cúc, sớm sớm đạp sương hoa chẳng nở). Tiên sinh là người có học, xin hãy đối lại cho tôi được mở mang đầu óc”.

Thoạt đầu, Mã Đạc cảm thấy vế đối này không khó, nhưng khi xem xét kỹ càng, anh nhận ra câu đối này có phần hiểm hóc. Ngẫm lại thời gian qua, ông ngày ngày đều vội vã trên đường, sớm tối tất bật như cửu vạn, sách vở đã lâu chưa đụng đến nên suy nghĩ cũng khô kiệt không còn nhanh nhạy như trước nữa. Anh cảm thấy nhất thời chưa thể đối lại được, hơn nữa thời giờ gấp rút không thể trì hoãn thêm nữa. Nhưng khi vừa định cởi giày lội nước nhường đường thì một tiếng động bất ngờ vang lên, người phụ nữ gánh củi cũng liền biến mất. Lúc này trước mắt Mã Đạc là bờ ruộng ngang dọc đan xen, lối đi nào cũng dẫn thẳng đến đại đạo. Ông liền nhanh chân rẽ vào đường chính, vừa đi vừa hồi tưởng lại cảnh tượng kỳ lạ đã qua, trong lòng vẫn chưa hết ngạc nhiên.

Trải qua một chặng đường dài cuối cùng Mã Đạc cũng đến được kinh thành và thuận lợi tham gia kỳ thi. Quan chủ khảo thấy Mã Đạc tóc mai điểm sương, tướng mạo rất giống với Hoàng đế Vĩnh Lạc thì không khỏi cảm thấy kỳ lạ. Đến khi đọc bài văn của ông, giám khảo lại trầm trồ tán thán trước bút lực hùng hồn, lời văn trôi chảy, lập luận sắc bén, ý tứ sâu xa, bèn dự định sẽ chọn Mã Đạc làm trạng nguyên.

Lúc ấy, tể tướng đương triều Bạch Vân Khánh có ý tìm nhân tài kén rể cho con gái. Ông hy vọng sẽ chọn được tân khoa trạng nguyên, và thí sinh được ông để mắt tới tên là Lâm Chí. Lâm Chí là người Phúc Châu, không chỉ đứng đầu bảng trong các cuộc thi Hương, thi Hội, mà còn là vị thiếu niên khôi ngô, anh tuấn, xứng đáng là chàng rể văn võ toàn tài. Bản thân Lâm Chí cũng tự tin vào sở học sở tài của mình, trong lòng luôn cảm thấy đã nắm chắc vị trí trạng nguyên trong kỳ thi năm nay. Nhưng sau khi nghe nói quan chủ khảo muốn chọn Mã Đạc làm trạng nguyên, Lâm Chí không phục, trong tâm vô cùng bất mãn.

Khi Bạch Vân Khánh nghe nói tân trạng nguyên là người tuổi đã quá tứ tuần thì vô cùng tức giận. Lẽ nào tiểu thư của tướng phủ lại phải gả cho một kẻ trung niên? Ông bèn nghĩ trăm phương ngàn kế đưa Lâm Chí lên đầu kim bảng, nhưng có nói thế nào quan chủ khảo vẫn không chịu nhượng bộ, một bước cũng không lùi.

Sắp đến giờ công bố bảng vàng nhưng các đại thần trong triều vẫn tranh luận không ngừng, mãi chưa thể xác định ai sẽ là trạng nguyên. Hoàng đế Vĩnh Lạc bèn cho gọi cả hai thí sinh vào cung để so tài cao thấp. Hai người bước lên điện khấu đầu lạy tạ rồi đứng qua một bên. Vĩnh Lạc đế vừa nhìn thấy Mã Đạc liền giật mình: Người này đã đứng tuổi nhưng thân thể lại vô cùng tráng kiệt, hơn nữa diện mạo lại có phần giống ta, vậy chẳng phải là chuyện kỳ lạ lắm sao? Còn Lâm Chí là thiếu niên anh tú, khí vũ hiên ngang, thực cũng đáng mặt anh hào trong thiên hạ. Cả hai đều xứng đáng làm trạng nguyên, vậy ta hãy thử ra vế đối xem tài ai hơn ai.

Lúc ấy, Hoàng đế Vĩnh Lạc đang cầm một chiếc quạt trắng, trên quạt vẽ hoa mai. Ông liền chỉ tay vào chiếc quạt ra vế đối rằng:

“Bạch phiến họa mai, nhật nhật nghênh phong hoa bất động.”
(Quạt trắng vẽ mai, ngày ngày đón gió hoa không động.)

Lâm Chí nhất thời không trả lời được, nhưng Mã Đạc đã lập tức đối rằng:

“Thanh hài tú cúc, triêu triêu thích lộ nhụy nan khai”.
(Giày xanh thêu cúc, sớm sớm đạp sương nhụy chẳng nở.)

Vĩnh Lạc đế cao hứng gật đầu, sau đó lại chỉ vào chậu hoa chuông ở bên ngoài điện và nói:

“Phong xuy bất động linh nhi thảo”
(Gió thổi bất động cỏ Linh nhi)

Mã Đạc lại ứng khẩu đáp rằng:

“Vũ đả vô thanh cổ tử hoa.”
(Mưa rơi không tiếng hoa cổ tử)

Cả “Linh nhi thảo” và “Cổ tử hoa” đều là tên của hai loài hoa. Chữ “Linh” (鈴) nghĩa là chiếc chuông đối với chữ “Cổ (鼓) nghĩa là cái trống, còn chữ “Thảo” (草) là cỏ đối với chữ “Hoa” (花) là đóa hoa. Cả vế ra và vế đối đều là tuyệt cú, giống như một cặp trời sinh vậy.

Hoàng đế Vĩnh Lạc thấy Mã Đạc đối đáp nhanh nhẹn lại vô cùng xuất sắc, liền vỗ tay khen rằng: “Thực là trạng nguyên tài hoa! Thực là trạng nguyên tài hoa!”

Bá quan văn võ đứng chầu bên dưới cũng đồng thanh lên tiếng chúc mừng. Đến lúc này Lâm Chí hoàn toàn bội phục, Mã Đạc nhờ thế mà giành được vị trí trạng nguyên.

(Nguồn: “Trung Quốc cổ đại bí sử”)

Theo Bạch Lĩnh - Epoch Times
(Bài gốc đăng trên Zhengjian.org)
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trong u minh có định số: Hai lần kỳ ngộ gặp âm hồn