Trung Quốc: Người mẹ tố cáo bác sĩ cố ý chẩn đoán sai nhằm lấy nội tạng của con trai bà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, ông Lý Chiêm Phi (Li Zhanfei), Trưởng Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán, đã trở thành chủ đề được nhiều người thảo luận trên Internet do cách đối xử thô lỗ của ông này với người nhà của một bệnh nhân đã qua đời. Gia đình bệnh nhân này đã quay một đoạn video và tố cáo rằng, bác sĩ Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán thu hoạch nội tạng bất hợp pháp bằng cách chẩn đoán là bệnh nhân đã chết não.

Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán có tên đầy đủ là Bệnh viện Đồng Tế trực thuộc Trường Y Đồng Tế của Đại học Khoa học và Kỹ thuật Hoa Trung (Tongji Hospital Tongji Medical College of HUST), nằm tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.

Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán bị cáo buộc ‘giết người lấy nội tạng vì tiền’

Vào ngày 13/6, một đoạn video có tên “Bộ mặt thật của Lý Chiêm Phi, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán” đã được lan truyền rộng rãi trên Internet ở cả trong và ngoài Trung Quốc, và thu hút sự chú ý của các cư dân mạng.

Đoạn video này dường như đã được bí mật quay vào khoảng 4h chiều ngày 12/6/2024. Trong video này, khi một người mẹ hỏi bác sĩ của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán về tình hình điều trị cho con mình, bà đã bị ông Lý Chiêm Phi, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương của bệnh viện này, đối xử một cách vô cùng thô lỗ và yêu cầu nhân viên bảo vệ đuổi bà ra khỏi bệnh viện.

Người mẹ này nói trong video rằng, ông Lý Chiêm Phi là bác sĩ điều trị cho con bà, một thanh niên 28 tuổi, vì bị chấn thương sọ não nên đã tới Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán. Tuy nhiên, trong khi chưa được kiểm tra khả năng tự thở, bệnh nhân đã bị nhận định là chết não.

Điều khiến người mẹ này càng phẫn nộ hơn là, sau khi con bà bị cho là chết não, bệnh viện đã lập tức thuyết phục gia đình hiến tạng nhưng bị gia đình từ chối. Khi người nhà nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của con mình, bệnh viện đã làm giả điện tâm đồ, thông tin về nhà tang lễ và thậm chí cả biên bản gửi cho Đội Chấp pháp (chịu trách nhiệm thi hành pháp luật hành chính) của Ủy ban Y tế Thành phố Vũ Hán.

Người nhà của bệnh nhân này tức giận trực tiếp khiển trách ông Lý Chiêm Phi: "Các ông có tính toán, mưu đồ làm trái luật, tại sao lại nói con tôi chết não? [Vì] chết não là tiêu chuẩn của hiến tạng sống. Thật quá ác độc!".

Phóng viên của The Epoch Times phát hiện ra rằng, ngay từ tháng 9 năm ngoái, gia đình của bệnh nhân này đã liên tục lên tiếng và bày tỏ nỗi oan khuất trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc như Weibo, Toutiao và Pipix.

Những bài đăng trước đó của người nhà bệnh nhân này tiết lộ rằng, ông Lý Chiêm Phi, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán, đã sử dụng bệnh viện này làm vỏ bọc hợp pháp để thu hoạch nội tạng và giết người hại mệnh. Cứ mỗi khi tình trạng của bệnh nhân có biến hóa, gia đình sẽ được thông báo rằng bệnh nhân đã chết não, và bác sĩ Lý cùng với bác sĩ Trần Duy Hoa (Chen Weihua) của phòng nghiệp vụ y tế sẽ thuyết phục người nhà hiến nội tạng. Người nhà cho biết, trong những giây phút cuối cùng của con bà, các bác sĩ không hề nghĩ đến việc cứu chữa mà chỉ lạnh lùng vận động người nhà hiến tạng.

Do đó, người nhà tỏ ra nghi ngờ: “Nếu không khớp trước thì nội tạng sẽ được hiến cho ai? Trong hồ sơ bệnh án, con tôi luôn tự thở được. Lý Chiêm Phi, tại sao ông lại muốn lừa dối chúng tôi là đã chết não? Trần Duy Hoa, tại sao ông không làm theo quy trình mà cứ muốn chúng tôi hiến tạng ngay lập tức? Đây là bệnh viện cứu sống người hay là ‘Đơn vị 731' giết người để lấy nội tạng? Đây là địa ngục ở trần gian!".

“Đơn vị 731” là một đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa-sinh của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản cũ. Dưới vỏ bọc của việc thử nghiệm y khoa, đơn vị này đã tiến hành nhiều thí nghiệm nguy hiểm trên cơ thể người trong Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ hai (1937-1945) và Thế chiến II (1939-1945).

Những bài đăng của người nhà bệnh nhân trên tố cáo hành vi chẩn đoán sai và thuyết phục hiến tạng của 2 bác sĩ Lý Chiêm Phi và Trần Duy Hoa tại Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán. (Ảnh chụp màn hình)

Người nhà bệnh nhân này cũng tiết lộ, ngoài hai bác sĩ Lý Chiêm Phi và Trần Duy Hoa nói trên, các nhân viên y tế của Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán cũng là một giuộc với nhau, còn có Lưu Thấm Tâm (Liu Qinxin), Tạ Vĩ Minh (Xie Weiming), Đổng Hy Kiệt (Dong Xijie), Vương Vu Xương (Wang Yuchang), Vương Vĩ (Wang Wei), Cao Vĩ (Gao Wei) và Chu Tích Uyên (Zhou Xiyuan).

Người mẹ này đã nhiều lần khiếu nại với ủy ban y tế, cơ quan công an và các sở ban ngành khác, để phản ánh tình hình coi mạng người như cỏ rác và mưu đồ lấy nội tạng ở Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán, nhưng phía chính quyền lại đùn đẩy nhau và không làm bất cứ điều gì. Thậm chí, trong khoảng thời gian này, bác sĩ điều trị Lý Chiêm Phi còn được ưu tiên thăng ba cấp lên giáo sư.

Người nhà cho biết đã nhiều lần khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền nhưng đều không được giải quyết. (Ảnh chụp màn hình)

Những ca ghép tạng được Bệnh viện Đồng Tế công khai chỉ là ‘phần nổi của tảng băng trôi’

Theo trang web chính thức của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán, ông Lý Chiêm Phi là bác sĩ y khoa, giáo sư, bác sĩ trưởng và người hướng dẫn thạc sĩ. Trong một thời gian dài, ông Lý đã tham gia điều trị bệnh đa chấn thương và bệnh trầm trọng nguy hiểm do chấn thương, đồng thời là ủy viên của Nhóm Chuyên khoa Bệnh nhiễm trùng và Bệnh trầm trọng nguy hiểm thuộc Hiệp hội Chấn thương Trung Quốc.

Phóng viên của The Epoch Times đã tìm kiếm trên trang web của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán và thấy rằng trang web này đã đăng tải nhiều bài viết về cấy ghép nội tạng.

Ngay từ ngày 17/4/2020, trang web của bệnh viện này đã đăng lại một bài báo từ tờ Nhân dân Nhật báo - một cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc - có nhan đề "Bệnh viện Vũ Hán Đồng Tế hoàn thành ca ghép gan đầu tiên sau khi toàn diện mở cửa trở lại".

Bài báo này viết rằng, bà Tần (Qin), một người ở Hồ Bắc, được đưa đến Bệnh viện Đồng Tế vào ngày 10/3/2020 do bị xơ gan và bệnh viện đã đề nghị ghép gan. Vào ngày 8/4/2020, Tổ chức Thu mua Nội tạng (OPO - Organ Procurement Organization) của Trung Quốc thông báo rằng có một bệnh nhân xuất huyết não đã “tự nguyện hiến nội tạng”. Các bác sĩ ghép tạng tại Bệnh viện Đồng Tế đã đánh giá nội tạng này và nhận thấy gan rất phù hợp với bà Tần, cho nên đã thực hiện ca phẫu thuật.

Theo bài viết này, chỉ mất chưa đầy một tháng kể từ khi bệnh nhân này nhập viện vào ngày 10/3 đến ngày 8/4, Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán đã tìm được nội tạng phù hợp và hoàn thành ca ghép tạng.

Trên thực tế, đây là một ca phẫu thuật ngoại khoa thông thường, cho nên bản thân kỹ thuật ghép tạng không khó. Khó khăn chủ yếu nằm ở việc tìm được nội tạng phù hợp. Ở các nước khác, thường phải mất vài năm mới tìm được gan hoặc thận phù hợp, nhưng việc “tìm kiếm kỳ tích” này lại thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc, trong khi người Trung Quốc vẫn giữ một quan niệm truyền thống là “chết phải toàn thây”.

Ngoài ra, tờ Trung Quốc Tân Văn Xã (China News Service), do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Trung Quốc quản lý, cũng đăng một bài báo vào ngày 15/4/2021 với nhan đề “Một bé gái 4 tuổi rưỡi bị chết não đã hiến nội tạng để kéo dài sự sống cho người khác”.

Bài báo này cho biết, Giai Giai (Jiajia), một bé gái 4 tuổi rưỡi ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, đã được chẩn đoán mắc bệnh u thần kinh đệm. Sau khi được đưa vào Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán, bệnh viện xác định Giai Giai đã "chết não" và đã hoàn thành việc hiến tạng (bao gồm một lá gan, hai quả thận và một cặp giác mạc của Giai Giai).

Ngày 24/8/2021, trang web chính thức của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán lại đăng bài viết về một trường hợp hiến tạng khác có nhan đề “‘Một lá gan và hai quả thận’ đã cứu được 3 người”.

Theo bài viết này, một công dân Vũ Hán tên là Lưu Phương (Liu Fang) được chẩn đoán mắc bệnh nhồi máu não diện rộng vào ngày 24/6/2021 và được chuyển đến Bệnh viện Đồng Tế vào ngày 28/6. Sau khi nhân viên Bệnh viện Đồng Tế trao đổi với gia đình bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã ký giấy đồng ý hiến tạng không hoàn lại. Vào ngày 7/7, bệnh nhân Lưu Phương được tuyên bố là đã chết lâm sàng và Bệnh viện Đồng Tế đã hoàn thành ca ghép nội tạng (gan và thận).

Những bài viết về các ca ghép tạng kể trên của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán. (Ảnh chụp màn hình)

Trên thực tế, những ca ghép tạng được chính thức đưa tin kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán dẫn đầu Trung Quốc về ghép tạng

Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, không chỉ là nơi bắt đầu của đại dịch COVID-19 mà còn là nơi bắt nguồn của ngành ghép tạng ở Trung Quốc, và Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán luôn ở vị trí “dẫn đầu” trong lĩnh vực ghép tạng ở nước này.

Ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, từng nói tại Đại hội Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc (CTC - Chinese Transplant Congress) được tổ chức tại Vũ Hán vào năm 2015 rằng: “Nếu không có Hồ Bắc, không có Vũ Hán, thì sẽ không có cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc”.

Tờ Nhật báo Hồ Bắc ngày 10/4/2019 đưa tin, Vũ Hán dẫn đầu Trung Quốc về số ca ghép tim và thận. Trong số đó, Bệnh viện Đồng Tế thực hiện trung bình ít nhất một ca cấy ghép mỗi ngày. Theo trang web chính thức của Bệnh viện Đồng Tế, cho đến nay (ngày tờ báo trên đưa tin), Bệnh viện Đồng Tế đã thực hiện được tổng cộng hơn 6.000 ca ghép thận, gần 2.000 ca ghép gan, hơn 200 ca ghép tim và gần 200 ca ghép tụy - thận đồng thời.

Theo những tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được vào tháng 4/2020, Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán đứng đầu Trung Quốc về số ca ghép thận DCD (hiến tạng sau khi chết tim) trong ba năm liên tiếp là 2015, 2016 và 2017. Trong đó, số ca ghép thận tăng đột biến trong khoảng thời gian này. Số ca ghép thận năm 2015 là gần 350 ca, tăng khoảng 100 ca so với năm trước đó. Số ca ghép thận đạt đỉnh điểm vào năm 2016 với khoảng 460 ca.

Điều đáng chú ý hơn nữa là Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) có trụ sở tại Mỹ đã chứng thực được rằng, Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán cũng có thể thực hiện “cấy ghép theo yêu cầu”.

Tài liệu nội bộ của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán cho thấy, bệnh viện này có 3 nguồn nội tạng để ghép thận, trong đó chủ yếu nhất là nguồn truyền thống và nguồn hiến tặng. Về nguồn truyền thống, theo những gì chính quyền Trung Quốc công khai, là từ các tử tù.

Ngay từ ngày 9/3 và 17/3 năm 2006, có hai nhân chứng đã thông qua The Epoch Times để vạch trần sự thật về nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công trong trại tập trung bí mật ở quận Tô Gia Đồn, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Từ đó, nạn thu hoạch nội tạng từ người còn sống ở Trung Quốc đã bị phơi bày trước cộng đồng quốc tế.

Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, chính quyền Trung Quốc công khai thừa nhận vào năm 2014 rằng họ đã sử dụng nội tạng của các tù nhân bị thi hành án tử hình để cấy ghép một cách có hệ thống nhưng các tù nhân và gia đình họ không hề hay biết về sự việc này. Tuy nhiên, căn cứ theo dữ liệu do chính quyền này công khai thì cả các tử tù lẫn những người được gọi là hiến tạng đều không thể đáp ứng được số ca phẫu thuật cấy ghép khổng lồ mà Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán đã hoàn thành.

Thế giới bên ngoài đặt nghi vấn rằng, có bao nhiêu người trong nguồn nội tạng của Bệnh viện Đồng Tế đã bị dán nhãn là "người hiến tạng tự nguyện" và bị giết hại? Có bao nhiêu ca cấy ghép tạng của "người thân giả" đã được thực hiện?

Wuhan Tongji Hospital.jpg
Tòa nhà khám bệnh của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán. (Ảnh: Wuchernchau / CC BY-SA 4.0 / Wikimedia Commons)

Bác sĩ Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán đã thừa nhận tham gia thu hoạch nội tạng từ học viên Pháp Luân Công

Ông Uông Chí Viễn (Wang Zhiyuan), người đứng đầu WOIPFG, từng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng: “Trong quá trình điều tra của chúng tôi, các bác sĩ và y tá tại Bệnh viện Đồng Tế đã thừa nhận rõ ràng rằng họ đã sử dụng nội tạng của các học viên Pháp Luân Công, chúng tôi có bằng chứng là các bản ghi âm để chứng minh điều này”.

Năm 2006, WOIPFG đã gọi điện đến Viện Cấy ghép Nội tạng của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán để hỏi liệu có thể nhận được tạng từ các học viên Pháp Luân Công hay không. Bên kia trả lời: “Không vấn đề gì, xin mời đến bệnh viện để trao đổi trực tiếp”.

Vào ngày 12/10/2015, các điều tra viên của WOIPFG đã tiến hành điều tra qua điện thoại khi gọi cho bác sĩ Cung (Gong) ở Khu khám Theo yêu cầu II thuộc Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực của Bệnh viện Đồng Tế Vũ Hán.

Bác sĩ Cung thừa nhận rằng từng sử dụng nội tạng của các học viên Pháp Luân Công để cấy ghép và đã đến các trại tù, trại lao động để lấy nội tạng. “Chúng tôi có [người] chuyên môn, Trưởng khoa Ngụy (Wei) của khoa chúng tôi. Chúng tôi có một bộ phận chuyên trách làm việc này, đứng đầu là Giáo sư Chu (Zhu), bạn biết đấy. Việc này đều do Giáo sư Chu phụ trách”.

Bác sĩ Cung còn tiết lộ, có lúc, các ca phẫu thuật ghép tim được thực hiện 5 lần một tuần, thậm chí 2 lần một tối.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Người mẹ tố cáo bác sĩ cố ý chẩn đoán sai nhằm lấy nội tạng của con trai bà