Tú tài từ bỏ công danh, hành y cải tử hoàn sinh giúp đời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đông y rất huyền bí. Cuốn sách y học đầu tiên của Đông y là "Hoàng Đế nội kinh" dạy phương pháp dưỡng sinh Thiên - nhân hợp nhất, cũng như các phương pháp ngăn ngừa và điều trị bệnh tật. Các danh y không chỉ chữa được những bệnh lâu ngày, dai dẳng, mà còn chữa được nhiều bệnh cấp tính, cải tử hoàn sinh. Những thầy thuốc chữa bệnh như Thần này, trước hết phải có lòng nhân ái cứu nhân tế thế, và y đức cao thượng. 

Thầy thuốc Hùng Khánh Hốt cứu hai mẹ con chết khi sinh con chỉ bằng một cây kim châm

Vào thời kỳ thịnh vượng đầu thời nhà Thanh, có một thầy thuốc nổi tiếng là Hùng Khánh Hốt (còn gọi là Hùng Hốt, tự Thúc Lăng) ở huyện An Nghĩa Giang Tây. Ông sinh ra trong một gia đình quan lại. Cha ông là Hùng Khải Mô, là tiến sĩ vào năm Càn Long thứ 25, và sau đó vào triều làm quan. Hùng Khánh Hốt khi còn trẻ có thành tích học tập xuất sắc, và là tú tài trong huyện. Tuy nhiên, sau khi học ở trường huyện được vài năm, ông quyết tâm trở thành một lương y để cứu nhân tế thế. Từ đó ông bỏ thi khoa cử và tập trung vào nghiên cứu y thuật.

Nhờ thiên tư thông minh và ngộ tính cao nên ông nhanh chóng nắm vững tinh hoa y học và có kỹ năng chữa bệnh xuất sắc. Ông nhận ra rằng, làm thầy thuốc là làm “công việc của một vị Thánh”, phải đồng thời “đủ tinh thông để nhận biết bệnh”, “đủ nhân từ để hành nghề” và “đủ thần kỳ để hiểu rõ mọi việc”, như thế mới trở thành một Thánh y được. Sau này, ông trở nên nổi tiếng như Trần Tú Viên, một danh y cùng thế hệ với ông trong giới y học.

Khi chữa bệnh, ông có thể nhanh chóng nắm bắt được những tổn thương tiềm ẩn trong nội tạng của người bệnh, xác định rõ ràng nguyên nhân gây bệnh, dùng thuốc như Thần, luôn có thể chữa khỏi bệnh. Ông cũng có thể nhanh chóng cải tử hoàn sinh những bệnh nhân chết vì khó thở, ngạt thở hoặc ngất xỉu.

Một lần, ông đi ngang qua một ngôi nhà nơi một người phụ nữ đã chết được nửa ngày. Nhưng khi nhìn thấy người chết, ông nghĩ vẫn còn hy vọng nên đun một bát nước sắc và đổ vào cổ họng cô. Một lát sau, người phụ nữ đã tỉnh lại một cách thần kỳ.

Một lần khác, Hùng Khánh Hốt nhìn thấy một sản phụ chết ngất vì khó sinh, ông lập tức phán đoán nguyên nhân và nói với người nhà sản phụ rằng: “Đừng lo lắng, cô ấy vẫn có thể cứu được. Đứa trẻ trong bụng đang ôm lấy trái tim của người mẹ, nên không thể sinh ra được".

Nói xong, ông lập tức châm cứu cho sản phụ. Một lúc sau, đứa bé ra đời và người phụ nữ đó tỉnh lại.

Khi đó, có vị tuần phủ họ Kim nghe nói Hùng Khánh Hốt có y thuật siêu phàm nên cử người mời ông đến xem bệnh giúp. Tuần phủ Kim mắc bệnh mạn tính đã lâu, nhiều thầy thuốc đã thử, song không thể chữa khỏi. Hùng Khánh Hốt xem bệnh xong và kê đơn. Tuần phủ Kim chỉ uống thuốc trong vài ngày thì căn bệnh mạn tính của ông đã được chữa khỏi. Điều này khiến Tuần phủ rất ngưỡng mộ y thuật tinh thông của Hùng Khánh Hốt, muốn tiến cử ông vào làm việc ở Thái y viện, nhưng Hùng Khánh Hốt đã lịch sự từ chối.

Mong muốn của Hùng Khánh Hốt là để lại kinh nghiệm và tâm đắc cứu nhân thế thế cho thế hệ tương lai. Trong khi hành nghề y, ông đã biên soạn sách y học của các danh y cổ đại, đồng thời viết các ca bệnh và kinh nghiệm y học của mình thành "Biển Thước mạch thư nan kinh" và "Trúng phong luận" (xuất bản năm 1821), truyền lại cho thế hệ tương lai. Ngày nay, ấn phẩm này vẫn được lưu hành.

"Biển Thước mạch thư nan kinh" hiện vẫn đang được lưu hành, cả bản giấy in và bản online. (Ảnh: Hoài Nhẫn Nhẫn/ Epoch Times)

Thầy thuốc Lưu Đạo Cảnh dùng gương đồng để cải tử hoàn sinh đứa trẻ ba tuổi

Vào thời Gia Khánh nhà Thanh, huyện An Nghĩa, Giang Tây cũng có một tú tài khác nghiên cứu y học. Ông tên là Lưu Đạo Cảnh (tự Ngưỡng Sơn, hiệu Tâm Trai, 1779-1883). Sau khi đỗ tú tài, vào học ở trường huyện để chuẩn bị cho những kỳ thi khoa cử tiếp theo, ông cảm thấy mình chưa làm được gì cho dân chúng, nên đã bỏ kỳ thi triều đình. Ông nảy sinh chí hướng mạnh mẽ là tế thế an dân. Ông đi khắp nơi bái sư học y, sau đó làm môn hạ một vị danh y. Sau nhiều năm học tập và tích lũy kinh nghiệm, ông đã trở thành bậc thầy về nhi khoa, người khắp nơi mộ danh tiếng ông tấp nập tìm đến để chữa bệnh.

Một đứa trẻ ba tuổi ở huyện lân cận đột nhiên bị bệnh nặng và nhanh chóng trở nên nguy kịch. Gia đình nhanh chóng đến mời thầy thuốc Lưu Đạo Cảnh đến để chẩn đoán và điều trị. Nhưng khi Lưu Đạo Cảnh đến, gia đình đang thu thập thi thể đứa trẻ và chôn cất. Lưu Đạo Cảnh tiến lên nhờ người mở quan tài, liếc nhìn đứa trẻ rồi nói: "Mau đưa đứa bé ra ngoài, nó vẫn có thể cứu được."

Mọi người ở bên đều cảm thấy khó tin. Cha mẹ cậu bé lau nước mắt, bán tín bán nghi hỏi ông rằng, có cách nào khác để khiến người chết sống lại không?

Lưu Đạo Cảnh đáp: "Đây là biểu hiện của tắc nhiệt cực độ. Chính khí trong cơ thể đứa trẻ sắp hết nhưng vẫn chưa hết. Nếu làm đúng phương pháp, nó có thể được cứu sống".

Ông yêu cầu họ tìm một chiếc gương đồng, sau đó đặt chiếc gương đồng lên rốn của đứa trẻ. Một lúc sau, ông lấy chiếc gương đồng ra và dùng tay sờ vào thì thấy chiếc gương đồng rất nóng. Lưu Đạo Cảnh đợi chiếc gương đồng nguội rồi đặt nó lên rốn đứa trẻ. Sau khi làm điều này nhiều lần, đứa trẻ đã chết đó đột nhiên sống lại. Ông vẫn làm đi làm lại chục lần, thì nghe thấy tiếng trẻ khóc rất to. Lưu Đạo Cảnh kê cho đứa trẻ một loại thuốc sắc, sau khi uống vài ngày, bệnh của đứa trẻ đã khỏi hẳn.

Người dân địa phương lưu truyền rằng, Lưu Đạo Cảnh đã rất nhiều lần cải tử hoàn sinh, nên mọi người gọi ông là "Lưu Thần Tiên". Lưu Đạo Cảnh sống được một trăm lẻ năm tuổi, mất vào ngày mồng hai tháng bảy âm lịch năm Quý Tỵ thời Đạo Quang. Cuốn sách “Ấu khoa tinh hoa” do ông viết đã được truyền lại cho thế hệ sau, con cháu của ông cũng đều kế thừa được chí hướng tế thế cứu nhân của ông.

Nguồn tư liệu: "An Nghĩa huyện chí".

Hoài Nhẫn Nhẫn - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Tú tài từ bỏ công danh, hành y cải tử hoàn sinh giúp đời