“Vào sinh ra tử” là gì, nguồn gốc và diễn biến nghĩa như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một câu thành ngữ thường gặp trong đời sống thường nhật là “Vào sinh ra tử” với ý nghĩa là chỉ người xông pha nơi trận mạc nguy hiểm, luôn cận kề cái chết. Nghĩa đen là: Vào sống ra chết. Tại sao lại nói người xông pha nơi nguy hiểm, luôn cận kề cái chết là “Vào sống, ra chết”? Vào đâu thì sống, ra đâu thì chết? Hay là chỉ là nói chung ra vào nơi sinh tử (sống chết)?

Để giải đáp được những thắc mắc này, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc câu thành ngữ này. Nó có nguồn gốc từ 1 câu thành ngữ gốc Hán “Xuất sinh nhập tử”, ý nghĩa là: xông pha nơi gian nan nguy hiểm, lúc nào cũng có thể xảy ra nguy cơ mất đi sinh mạng.

Về ý nghĩa thì cả 2 câu thành ngữ “Vào sinh ra tử” (vào sống ra chết) và “Xuất sinh nhập tử” (ra sống vào chết) là có ý nghĩa và cách dùng như nhau, nhưng xét dùng từ thì lại có vẻ ngược nhau, nhưng đều chỉ việc ra vào nơi sinh tử, nơi nguy hiểm.

Câu thành ngữ Việt có nguồn gốc từ thành ngữ gốc Hán, mà thành ngữ gốc Hán lại có nguồn gốc từ Đạo Đức Kinh” của Lão Tử. Vậy câu này trong Đạo Đức Kinh có ý nghĩa như thế nào?

Chương 50 sách Đạo Đức Kinh có viết rằng: “Xuất sinh nhập tử. Sinh chi đồ thập hữu tam, tử chi đồ, thập hữu tam, nhân chi sinh, động chi tử địa, thập hữu tam. Phù hà cố? Dĩ kỳ sinh sinh chi hậu”.

Tạm dịch: “Đời người bắt đầu từ khi ra đời, cuối cùng chết nhập thổ. Những người trường thọ thì cứ 10 người có 3 người trường thọ. Những người đoản mệnh thì cứ 10 người có 3 người đoản mệnh. Con người vốn có thể sống lâu hơn, nhưng lại thường đi sang con đường chết một cách vô ý, không hay biết. Loại người này thì cũng cứ 10 người thì có 3 người tự đi vào con đường chết. Tại sao lại như vậy? Bởi vì cung phụng nuôi dưỡng thân thể quá độ”.

Như vậy câu “Xuất sinh nhập tử” vốn là chỉ một quá trình tự nhiên của sinh mệnh, từ khi ra đời đến khi chết đi. Tuy nhiên, như Lão Tử nhìn nhận, con người đã sống lệch khỏi các quy luật tự nhiên, xa rời tự nhiên, xa rời đạo, trái quy luật tự nhiên, trái đạo, nên đều “tự đi sang con đường chết một cách vô ý, không hay biết”.

Thậm chí những người sống trong cảnh yên bình, không thiên tai nhân họa, chiến tranh dịch bệnh, thì vẫn cứ chết sớm hơn quá trình tự nhiên này, do “cung phụng nuôi dưỡng thân thể quá độ”. Điều này cực kỳ chính xác với thời hiện đại, đủ các loại bệnh tật đều do từ ăn uống quá độ, sinh hoạt trái ngược quy luật tự nhiên, vui chơi giải trí, kích thích quá độ mà sinh ra.

Hiện nay các bác sĩ, các nhà nghiên cứu sức khỏe, cũng đề ra rằng, cần ăn nhiều rau quả nuôi trồng tự nhiên, các sản phẩm hữu cơ, hạn chế thịt, đường, mỡ, bia, rượu, bánh kẹo, đồ uống có đường. Ngoài ra còn cần dậy sớm ngủ sớm, tăng cường vận động, tăng cường tiếp xúc với thiên nhiên… thực hành tĩnh tâm, thiền định, yoga, nghe nhạc cổ điển… Đó đều là các biện pháp tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

Vậy tại sao “Xuất sinh nhập tử” lại chuyển biến thành nghĩa hiện nay là “xông pha nơi hiểm nguy, nguy cơ mất đi sinh mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào”?

Người ta thấy trong các văn bản cổ đại, thì trong tác phẩm “Thu hứng phú” của Phan Nhạc đời nhà Tấn là tác phẩm sớm nhất sử dụng “Xuất sinh nhập tử” với ý nghĩa như hiện nay. Trong bài phú đó, Phan Nhạc có viết một câu rằng: “Bỉ tri an nhi vong nguy hề, cố xuất sinh nhi nhập tử”, nghĩa là: “Anh biết bình an mà quên nguy hiểm, nên vào sinh ra tử”.

Bộ sử “Cựu Ngũ đại sử” cũng có câu: “Ta chưa đầy 20 tuổi đã theo tiên đế chinh phạt, vào sinh ra tử, thương tích đầy mình, giành được giang sơn, binh sĩ theo ta ra trận”.

“Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung cũng có câu rằng: “Chúng ta vào sinh ra tử, thân xông pha mũi tên hòn đạn, mà công lao lại không bằng bà đồng cốt sao?”.

Tại sao “xuất sinh nhập tử” gốc ban đầu là nói về quá trình con người từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, vốn là một quá trình tự nhiên, lại chuyển nghĩa thành xông pha nơi hiểm nguy?

Có lẽ nó qua quá trình chuyển tiếp ý nghĩa. Khi người ta biết quá trình con người sinh ra, chết đi là quá trình tự nhiên, họ sẽ không còn lo sợ cái chết nữa, sẽ bình thản trước hiểm nguy, bình thản đón nhận.

Trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử có viết rằng: “Sống đưa tới chết, chết là đầu mối của sống. Ai biết được thứ tự trước sau của sống chết? Người ta sinh ra là do cái khí tụ lại. Khí tụ thì sinh, khí tán thì chết. Tử sinh đã tuần hoàn thì còn có gì mà lo?”. (Bản dịch Nguyễn Hiến Lê).

Người đã hiểu rõ quá trình sống chết, tử sinh tuần hoàn, thì cũng không sợ chết nữa, coi quá trình sống chết “xuất sinh nhập tử” là bình thường, nên họ dám xông pha nơi hiểm nguy.

Và thế là “xuất sinh nhập tử”, được dịch sang tiếng việt thành “vào sinh ra tử”, đã biến đổi nghĩa thành xông pha nơi hiểm nguy, ít nhất là từ đời nhà Tấn, và vẫn giữ nguyên ý nghĩa như thế cho đến ngày nay.

Trung Dung



BÀI CHỌN LỌC

“Vào sinh ra tử” là gì, nguồn gốc và diễn biến nghĩa như thế nào?