Vệ sinh răng miệng kém làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết và bệnh tim mạch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vệ sinh răng miệng không chỉ đơn thuần giữ cho răng chắc khỏe; vi khuẩn trong miệng còn được cho là có liên quan đến ung thư ruột kết. Nhưng làm cách nào để vi khuẩn miệng xâm nhập vào đường ruột? Nước súc miệng có tác dụng gì không?

Ông Shao-Hung Wang, chuyên gia vi sinh học người Đài Loan, đã thảo luận về mối quan hệ giữa vi khuẩn miệng, sức khỏe đường ruột và các bệnh tim mạch trên chương trình “Health 1+1” của The Epoch Times và đưa ra các phương pháp để duy trì sức khoẻ răng miệng.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín Nature cho thấy, Fusobacterium nucleatum, một loại vi khuẩn đường miệng liên quan đến bệnh viêm lợi, được tìm thấy trong khối u của một số bệnh nhân ung thư ruột kết.

Loại vi khuẩn này có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u đại tràng và làm tăng nguy cơ ung thư tái phát, dẫn đến tiên lượng xấu hơn.

Ông Wang giải thích rằng Fusobacterium nucleatum phân loài Fna C2 có thể chịu được môi trường axit, cho phép nó đi qua đường tiêu hóa, vào đại tràng và trực tràng.

Khi đến đó, nó tạo ra các yếu tố kết dính để bám vào tế bào và giải phóng các phân tử độc hại gây viêm, thúc đẩy sự phát triển của khối u.

Ông Wang tin rằng kháng sinh dường như không phù hợp trong việc chống lại các vi khuẩn miệng có thể gây ung thư ruột kết, vì chúng tiêu diệt tất cả các vi khuẩn, kể cả những vi khuẩn có lợi.

Thay vào đó, một số nhà vi sinh học sử dụng các thể thực khuẩn hoặc các phân tử kháng khuẩn trong trà xanh để giảm Fusobacterium nucleatum.

Ngoài chiết xuất trà xanh, việc tiêu thụ rau giàu polyphenol, cũng như chiết xuất trà đen và các dẫn xuất catechin trong trà, cũng có thể làm sạch miệng và ức chế Fusobacterium nucleatum trong đường ruột.

Ông Wang đề cập rằng thời xa xưa, mọi người không có bàn chải đánh răng, họ thường dùng lá trà để súc miệng sau bữa ăn và loại bỏ mảng bám trên răng, trong đó Fusobacterium nucleatum là một trong những loại vi khuẩn phổ biến nhất.

Tuy nhiên, do lá trà có xu hướng gây ố vàng, nên hầu hết người thời đó đã từ bỏ phương pháp này.

Làm thế nào để vi khuẩn miệng xâm nhập vào đường ruột?

Ông Wang cho biết một số vi khuẩn miệng tồn tại trong thực phẩm chưa nấu chín, trong khi một số khác tạo thành mảng bám màng sinh học thông qua sự kết tụ của vi khuẩn, có thể trôi theo nước bọt hoặc thức ăn vào ruột.

Nếu vi khuẩn miệng tập hợp thành cụm, chúng có thể sống sót qua môi trường axit dạ dày và sự co bóp của dạ dày.

Thật thú vị, một số vi sinh vật phát triển khả năng kháng axit khi chúng đi qua thực quản vào dạ dày, cho phép chúng bám vào niêm mạc dạ dày.

Một số vi khuẩn, chẳng hạn như Lactobacillus reuteri, thậm chí còn sở hữu một lớp phủ ngoài chuyên biệt để bảo vệ.

Ngoài ra, trong khi một người ăn, axit dạ dày có thể loãng từ pH 1 hoặc 2 xuống khoảng pH 5, cho phép vi khuẩn có khả năng trốn tránh môi trường axit.

Ông Wang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ăn chậm và nhai kỹ thức ăn để ngăn vi sinh vật ẩn náu trong các mẩu thức ăn và thoát khỏi axit dạ dày.

Hơn nữa, duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách là rất quan trọng để giảm thiểu sự hình thành mảng bám biofilm do vi khuẩn.

Vi khuẩn miệng làm tăng nguy cơ tim mạch

Ông Wang chỉ ra rằng Fusobacterium nucleatum có thể xâm nhập vào máu thông qua máu trên nướu răng trong quá trình chải răng, vết thương miệng hoặc bệnh nha chu.

Butyrate, được sản sinh trong miệng bởi Fusobacterium nucleatum, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu bằng cách tăng cường sản xuất porphyrin, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn.

Ngoài ra, butyrate đóng vai trò như nguồn dinh dưỡng cho một số vi khuẩn và kích hoạt virus gây bệnh, dẫn đến viêm, thậm chí gây chết tế bào nướu răng.

Ông Wang giải thích thêm rằng vi khuẩn miệng có thể góp phần gây viêm nha chu. Các chất gây viêm và vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu thông qua vết thương ở nướu răng hoặc các tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.

Khi những chất này đến gan, chúng kích hoạt gan giải phóng nhiều protein phản ứng, bao gồm các zymogen như prothrombin, tham gia vào quá trình đông máu.

Khi prothrombin di chuyển qua máu, nó có thể gây ra các cục máu đông nếu nó gặp các vùng có cholesterol tích tụ hoặc viêm trong các mạch máu, do đó dẫn đến các triệu chứng liên quan đến bệnh tim mạch vành.

Do đó, ông Wang khuyên mọi người nên kiểm soát mức cholesterol và thực hiện các biện pháp để ngăn vi sinh vật miệng xâm nhập vào cơ thể, vì điều này có thể dẫn đến viêm.

Các phương pháp vệ sinh răng miệng tốt nhất

Ông Wang kể về trải nghiệm cá nhân của mình cách đây khoảng 20 năm khi ông bị loét dạ dày. Lúc đó, chưa có phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho vi khuẩn Helicobacter pylori, vì vậy ông đã dùng kháng sinh trong bốn tuần.

Đến tuần thứ ba, lưỡi ông xuất hiện một lớp phủ dày vì kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn nhưng lại cho phép nấm men, bao gồm sự phát triển mạnh của Candida albicans, gây mất cân bằng cho hệ vi sinh vật miệng.

Ông nhấn mạnh rằng chìa khóa cho vệ sinh răng miệng không nhất thiết là tiêu diệt vi khuẩn mà là đánh bật chúng khỏi bề mặt răng và các vùng thường hình thành lớp phủ lưỡi.

Do đó, ông Wang đã đưa ra các khuyến nghị sau để duy trì sức khỏe răng miệng:

  • Chải răng hai lần một ngày.
  • Dùng chỉ nha khoa hoặc tăm nha khoa sau bữa ăn để giúp loại bỏ mảng bám hoặc vụn thức ăn.
  • Đi khám nha sĩ định kỳ để kiểm tra và vệ sinh răng miệng nhằm loại bỏ mảng bám vôi hóa.
  • Tránh sử dụng nước súc miệng thường xuyên.

Ông Wang giải thích rằng nước súc miệng chứa fluoride có thể ảnh hưởng đáng kể đến hệ vi sinh vật đường ruột, vì vậy tốt nhất là không nên sử dụng chúng quá hai lần một tuần.

Nước súc miệng chứa chlorhexidine sát trùng có độc tính với vi khuẩn nhưng có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh vật miệng nếu sử dụng thường xuyên.

Hệ vi sinh vật miệng đóng một vai trò quan trọng trong chu trình của nitrate và nitric oxide. Các hợp chất nitơ được tìm thấy trong rau, chẳng hạn như nitrate, ban đầu được chuyển đổi bởi vi khuẩn miệng thành nitrite.

Sau đó, các nitrite này đi vào máu qua niêm mạc và mạch máu. Hơn nữa, axit dạ dày có thể xử lý thêm nitrite để tạo thành nitric oxide.

Nitric oxide được phát hiện là có khả năng điều hòa huyết áp và tính thấm của mạch máu, do đó giảm nguy cơ cao huyết áp và các bệnh tim mạch khác. Nó cũng có tác dụng ngăn ngừa kết dính tiểu cầu và bám dính bạch cầu.

Tuy nhiên, nitric oxide quá mức có thể ức chế dẫn truyền thần kinh và hô hấp ty lạp thể.

Sử dụng nước súc miệng thường xuyên có thể làm giảm mức nitric oxide trong cơ thể, có khả năng dẫn đến huyết áp tăng cao và nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ cao hơn.

Theo Shan Lam & JoJo Novaes - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vệ sinh răng miệng kém làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết và bệnh tim mạch