Vệ tinh gỗ đầu tiên trên thế giới được chế tạo thành công tại Nhật Bản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cột mốc lịch sử đã được ghi nhận trong ngành thám hiểm vũ trụ khi Nhật Bản thành công chế tạo và ra mắt vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới, đánh dấu bước tiến mới hướng đến sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Được chế tác từ gỗ mộc lan bởi nhóm nghiên cứu Đại học Kyoto và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sumitomo, LignoSat sở hữu kích thước nhỏ gọn chỉ 10cm mỗi cạnh và nặng khoảng 1.1kg. Tuy nhỏ bé, LignoSat mang sứ mệnh to lớn, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của vật liệu kim loại truyền thống thường sử dụng trong chế tạo vệ tinh lên môi trường.

LignoSat sẽ được đưa vào vũ trụ trong vài tháng tới trên tên lửa SpaceX. Chuyến hành trình này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực phát triển công nghệ vệ tinh bền vững, hướng đến tương lai khám phá vũ trụ thân thiện với môi trường.

Việc sử dụng gỗ làm vật liệu chế tạo vệ tinh mang lại nhiều lợi ích. Gỗ nhẹ hơn kim loại, giúp giảm tải trọng cho tên lửa phóng, tiết kiệm nhiên liệu và chi phí. Hơn nữa, khi quay trở lại Trái đất, vệ tinh gỗ sẽ cháy rụi hoàn toàn, không để lại rác thải vũ trụ gây ô nhiễm môi trường như các vệ tinh kim loại thông thường.

Vào ngày 28/05, các nhà phát triển đã chính thức công bố việc hoàn thành vệ tinh gỗ LignoSat - một dự án đột phá đánh dấu bước ngoặt mới trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ. Khi kết thúc sứ mệnh, LignoSat dự kiến ​​sẽ tự bốc cháy hoàn toàn khi đi vào bầu khí quyển Trái Đất, loại bỏ nguy cơ ô nhiễm môi trường do các mảnh vỡ kim loại từ vệ tinh cũ gây ra.

Theo chia sẻ của Giáo sư Takao Doi, phi hành gia người Nhật và là chuyên gia uy tín tại Đại học Kyoto: "Vệ tinh làm bằng vật liệu phi kim loại có lẽ sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai".

Sau khi hoàn thành, LignoSat sẽ được bàn giao cho Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) - đơn vị chịu trách nhiệm giám sát và điều khiển vệ tinh trong sứ mệnh.

LignoSat sẽ bắt đầu hành trình bằng cách "cưỡi" trên tên lửa SpaceX, phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, Hoa Kỳ. Dự kiến ​​tháng 9 tới, vệ tinh sẽ cập bến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Để kiểm tra sức chịu đựng của vệ tinh với nhiệt độ trong môi trường có thay đổi lớn hay không, dữ liệu từ vệ tinh sẽ được gửi đến các nhà phát triển, theo phát ngôn viên của công ty Lâm nghiệp Sumitomo nói với hãng truyền thông AFP.

Theo cảnh báo từ chuyên gia Takao Doi, việc sử dụng vệ tinh kim loại trong các sứ mệnh thám hiểm vũ trụ tiềm ẩn nguy cơ đáng kể cho môi trường Trái Đất. Khi quay trở lại bầu khí quyển, những vệ tinh này sẽ bốc cháy, tạo ra các hạt nhôm oxide cực nhỏ. Những hạt này có khả năng tồn tại trong tầng thượng khí quyển trong nhiều năm, gây ra những tác động tiêu cực.

Để đánh giá khả năng chịu đựng của gỗ trong môi trường vũ trụ khắc nghiệt, các nhà khoa học đã thiết kế hàng loạt thí nghiệm mô phỏng điều kiện thực tế.

Trải qua những thử thách khắt khe, gỗ mộc lan đã thể hiện khả năng chống chọi đáng kinh ngạc. Các nhà khoa học ghi nhận không có biến dạng hay hư hỏng nào về mặt chất lượng và cấu trúc của gỗ.

Giáo sư Koji Murata, người đứng đầu dự án nghiên cứu và phát triển, đồng thời là Giáo sư chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Nông nghiệp tại Đại học Kyoto cho rằng nguyên nhân có thể là do trong môi trường không gian không có oxy để đốt cháy gỗ, cũng như không có vi sinh vật gây hại, giúp gỗ duy trì độ ổn định và bền bỉ.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành thử nghiệm với cả gỗ anh đào Nhật Bản cùng các loại gỗ khác nhau nhưng cuối cùng gỗ mộc lan vẫn được đánh giá là có khả năng chống chọi tốt nhất trong số đó.

Theo Epochtimes

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Vệ tinh gỗ đầu tiên trên thế giới được chế tạo thành công tại Nhật Bản