Vì công bình chính nghĩa, mong bạn đừng lặng im

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những mảnh đời bất hạnh trên thế gian có lẽ là những người sinh ra tại Trung Quốc…

Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ rằng: “Khánh Phụ bất tử, Lỗ nạn vị dĩ” (Khánh Phụ không chết thì nạn của nước Lỗ chưa dứt).

Rất nhiều người tin rằng ĐCSTQ là căn nguyên của mọi thảm họa nhân quyền gần một trăm năm qua. Một trăm năm lịch sử của ĐCSTQ là một trăm năm họa đỏ. Ngày hôm nay, ĐCSTQ không chỉ vắt kiệt mồ hôi nước mắt của nhân dân, vơ vét của cải xương máu của dân chúng, mà còn điên cuồng trấn áp những người bất đồng chính kiến và các nhân sĩ bảo vệ nhân quyền, tàn nhẫn bức hại các học viên tu luyện Pháp Luân Công và những người có tín ngưỡng tôn giáo. Một trong số những nạn nhân bị bức hại dưới bàn tay đẫm máu của ĐCSTQ là ông Cao Trí Thịnh, luật sư bảo vệ nhân quyền nổi tiếng tại Trung Quốc.

Tháng 5 năm 2017, con gái luật sư Cao Trí Thịnh đã có bài phát biểu xúc động tại Diễn đàn Tự do Oslo. Vào ngày 13 tháng 8 cùng năm ấy, người cha mà cô ngày đêm thương nhớ đã biến mất khỏi ngôi nhà ở Thiểm Bắc, cho đến nay vẫn bặt vô âm tín.

Mặc dù đã gần mười năm trôi qua nhưng bài phát biểu của cô Cao Cảnh Cách vẫn phản ánh sống động thảm cảnh nhân quyền đang diễn ra tại Trung Quốc ngày nay. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của cô Cao, thân mến chia sẻ cùng bạn đọc:

***

Kính chào quý vị! Thật là niềm vinh hạnh cho tôi khi được đứng ở đây, tôi chân thành cảm ơn Diễn đàn Tự do Oslo đã cho tôi có được cơ hội quý giá này.

Tôi tên là Cảnh Cách, cha tôi là luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh, ông đã bị bắt giam vào tù mãi cho đến năm 2014. Quý vị có thể tìm thấy rất nhiều tư liệu về cha tôi và công việc của ông trên mạng internet. Nhưng hôm nay tôi không muốn nói về người mà công chúng đã biết, tôi chỉ muốn nói về người cha mà tôi biết, với tư cách là con gái của ông.

Trên thực tế, trong suốt quá trình trưởng thành của mình tôi không được gặp cha thường xuyên. Mẹ đưa tôi đến nơi cha làm việc một hoặc hai lần mỗi tuần. Tôi nhớ văn phòng của ông luôn chật ních người, có vị ngồi xe lăn, có vị nằm trên cáng, có vị lại đang khóc. Lúc ấy tôi chỉ mới 4 tuổi, hoàn toàn không hiểu được mọi việc đang diễn ra, nhưng tôi tin rằng cha tôi đã dùng năng lực siêu thường của mình để giúp đỡ những người cần ông trợ giúp. Khi mẹ con tôi gặp cha, cha thường vỗ vỗ vào đầu tôi và nói với mẹ vài câu, sau đó lại vội vã lao vào làm việc, để mặc hai mẹ con tôi ở hành lang.

Cha tôi vô cùng tận tâm giúp đỡ những người ấy. Trong đó có một vị khách là Trần tiên sinh, một cựu chiến binh. Ông Trần từng gặp tai nạn ô tô, bác sĩ của ông đã bất cẩn bỏ quên một miếng gạc trong cơ thể, để lại cho ông những di chứng đáng sợ. Ông Trần mất hai năm khởi kiện bệnh viện đó, nhưng vì nạn tham nhũng nên ông mãi không thể thành công. Cuối cùng ông tìm đến cha tôi, và nhờ có cha tôi mà ông đã thắng kiện. Kể từ đó, ông Trần luôn giữ liên lạc với chúng tôi trong nhiều năm về sau. Một ngày, ông gọi điện cho cha tôi kể rằng ông bị mất xe đạp, cha tôi không đắn đo suy nghĩ liền gửi ông tiền để mua một chiếc xe mới.

Cha tôi bị đau lưng mãn tính, căn bệnh ấy thỉnh thoảng lại phát tác. Là một đứa trẻ, tôi luôn hy vọng cha sẽ lại đau, bởi tôi nghĩ rằng như thế cha sẽ ở nhà thêm vài ngày và có thời gian ở bên tôi. Nhưng giấc mơ của tôi luôn tan vỡ. Cha tôi hết lòng vì khách hàng, nên dù lưng đau ông vẫn đến văn phòng và nằm ở đó, tiếp tục gặp gỡ các vị khách đến từ khắp nơi trên toàn quốc.

Có lần tôi hỏi cha vì sao lại hết mình với công việc như vậy, cha tôi đáp rằng: “Ở đất nước này pháp luật bị quyền lực chà đạp, các luật sư đều bó tay bất lực. Người ta đến tìm cha bởi họ vẫn chưa hoàn toàn mất hết niềm tin. Cho dù cha không thay đổi được vận mệnh của họ, nhưng có thể lắng nghe nỗi đau của họ, thấu hiểu, đồng cảm và tôn trọng họ, điều ấy rất có ý nghĩa”.

Phần lớn các khách hàng của cha tôi đều rất nghèo. Tôi nhớ câu chuyện của Trâu Vĩ Nghị, đó chính là cậu bé trong bức ảnh này. Vì những sai lầm trong điều trị mà cậu bé mất thính giác chỉ trong vòng ba tháng. Gia đình cậu bé đã mất sáu năm đấu tranh yêu cầu bệnh viện phải gánh trách nhiệm về sự cố này. Đến khi gần như mất hy vọng, họ đã tìm đến cha tôi. Trong vòng hơn một năm, cha tôi cùng các cộng sự của ông tự bỏ tiền túi đi lại giữa Tân Cương và Liêu Ninh, cuối cùng cũng giúp họ thắng kiện.

Từ đó về sau, vào những ngày lễ và ngày sinh nhật của cậu bé, cha tôi lại gửi tiền tặng gia đình họ. Bà nội của cậu coi cha tôi như con trai của bà vậy. Năm 2006 và 2008, khi cha tôi bị chính quyền bắt cóc, người phụ nữ cao tuổi ấy đã bắt chuyến xe đêm đến Bắc Kinh, đứng bên ngoài cửa nhà và giơ lên tấm ảnh của cha tôi, miệng không ngừng hô tên ông, cứ như vậy mãi cho đến khi bà bị cảnh sát đuổi đi.

Đa số các khách hàng của cha tôi đều là những người yếu đuối không có quyền thế và bị đối xử bất công ở Trung Quốc. Trong ký ức của tôi, cha luôn dùng hết mọi khả năng và trí huệ mà ông có để giúp đỡ họ. Nhưng thật không may, điều ấy lại khiến ông trở thành đối tượng bị chính phủ nhắm tới.

Tôi liên tục sống trong nỗi sợ hãi sẽ mất cha, và tôi thường tỉnh dậy trong tiếng khóc của mẹ. Có một đoạn thời gian, chúng tôi bị giám sát và khống chế 24/24 giờ. Có tám cảnh sát sống trong nhà tôi, cả ngày họ chằm chằm nhìn chúng tôi ăn, nhìn chúng tôi ngủ, thậm chí nhìn tôi tắm. Ngoài ra còn có tám cảnh sát khác bám theo tôi tới trường mỗi ngày, có lúc họ còn đánh tôi trước mặt các bạn học khác. Chưa kể, tất cả các học sinh ở trường đều không được phép nói chuyện với tôi, nếu không cha mẹ họ cũng sẽ bị bắt vào tù giống như cha tôi vậy. Bạn bè bắt đầu xa lánh tôi, cứ như thể tôi mắc căn bệnh truyền nhiễm nào đó vậy. Cuối cùng, ngay cả cơ hội đến trường tôi cũng không có. Kết quả là tôi đã gặp ác mộng, thậm chí còn bắt đầu hận cha mình.

Một ngày tôi thức rất khuya, nhất định không chịu đi ngủ, bởi vì tôi muốn thấy cha mình trở về nhà an toàn. Đến cuối cùng khi ông bước qua cánh cửa và phát hiện tôi đang ngồi trên sàn, đôi mắt ông đã trợn ngược lên. Tôi cầu xin cha: “Con xin bố hãy quan tâm đến mẹ con con, con muốn cha của con, con muốn được sống một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác”.

Cha tôi trầm mặc một hồi lâu, nước mắt lăn dài trên má. Ông nói: “Hãy cho bố thêm vài năm nữa, lúc ấy bố sẽ là ánh sáng của cả gia đình”.

Mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc ấy, tôi lại cảm thấy hổ thẹn. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ không thể hiểu được những hy sinh của cha mình, tôi quá nhỏ nên không nhận ra ông đang đấu tranh cho những điều cao cả và tươi đẹp hơn.

Ngày 1/9/2009 là ngày cuối cùng gia đình tôi được ở bên nhau. Sáng hôm ấy khi vừa tỉnh dậy, tôi cảm nhận được một bầu không khí căng thẳng và gấp gáp, giống như ai đó sắp đi xa nhưng lại chưa chuẩn bị hành lý vậy. Cha ôm chặt em trai tôi, sau đó lại ôm chặt tôi và mẹ. Tôi đột nhiên hiểu ra rằng, ồ, gia đình mình sắp biệt ly, và lần này có thể là mãi mãi. Chúng tôi khóc trong vòng tay nhau, và đó là lần cuối cùng tôi được thấy cha. Ngày hôm ấy, mẹ dẫn tôi và em trai chạy trốn khỏi Trung Quốc, đặt chân lên con đường lưu vong chính trị dài đằng đẵng. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được nước Mỹ.

Trong cuốn sách mới của cha tôi “Năm 2017, Trung Quốc đứng lên(Tên tiếng Anh: “The Year 2017, Stand Up, China”), ông đã miêu tả những gì xảy ra sau khi chúng tôi rời đi: Cha tôi trở về căn nhà trống trải, ông di chuyển chiếc giường ra bên ngoài phòng ngủ. Rất nhiều ngày sau đó, ông từ chối bước chân vào trong phòng ngủ vì không muốn đối mặt với sự thật rằng chúng tôi đã rời khỏi nhà. Năm ấy, cha tôi lại bị bắt. Trong suốt 8 năm giam cầm, ông đã bị tra tấn, bị bỏ đói, và bị biệt giam trong thời gian dài. Ông từng được thả vào năm 2014, nhưng cho đến hôm nay ông vẫn bị quản thúc tại gia. Vì nhục hình tra tấn mà ông đã mất rất nhiều răng. Hiện nay chúng tôi gặp hạn chế rất lớn khi muốn liên lạc với ông.

Cách đây không lâu tôi nhận được lá thư của cha, ông viết: “Cha xác thực đã chịu đựng đủ mọi cực hình, nhưng điều tồi tệ nhất không phải là nhục hình trên thân thể mà là bị nhốt trong tầng hầm của nhà tù quân đội giữa mùa đông khắc nghiệt, chịu đựng cái lạnh giá của địa ngục. Cái lạnh xẻo thịt khoan xương còn khủng khiếp hơn nhiều bất cứ khổ hình nào. Thế nhưng, điều tồi tệ hơn cả là nỗi nhớ cũng như cảm giác tội lỗi của cha đối với mẹ và hai con. Khổ nạn của vợ con khiến cha thấy đau lòng không thể nhẫn chịu được. Các con thật bất hạnh khi sinh ra trong đất nước này, nhưng còn bất hạnh hơn khi có một người bố như cha. Nỗi thống khổ mà cha đã gây ra cho các con sẽ vĩnh viễn không cách nào xóa được”.

Ở Trung Quốc có hàng ngàn hàng vạn gia đình giống như chúng tôi. Chúng tôi đã chạy trốn khỏi đại lục hơn 8 năm rồi, nhưng hoàn cảnh ở trong nước lại càng trở nên đáng sợ hơn. Hôm nay, tôi lên tiếng thay cho những đứa trẻ đã bị mất người thân trong bàn tay của chính quyền Trung Quốc. Là một nạn nhân, một người tị nạn, một người con gái, tôi khẩn cầu quý vị:

Xin đừng thờ ơ với tấn bi kịch mà chính phủ Trung Quốc đã gây ra!

Xin đừng phớt lờ việc ĐCSTQ chà đạp lên nhân quyền!

Xin đừng giữ im lặng thêm nữa!

Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của cô Cao Cảnh Cách bằng tiếng Anh tại Diễn đàn Tự do Oslo vào tháng 5 năm 2017:

Theo Hàn Diệc Ngôn - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì công bình chính nghĩa, mong bạn đừng lặng im