Vì sao G7 ngày càng cứng rắn với Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 14/6, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đã đưa ra một tuyên bố chung. Khác với những lần trước đây, tuyên bố chung lần này đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, không những bổ sung nhiều nội dung mới nhắm vào Trung Quốc mà còn sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

G7 có lập trường cứng rắn hơn

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, G7 đã tăng cường các biện pháp nhằm chống lại năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc và mở rộng các biện pháp để đối phó với những thực thể của Trung Quốc hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Về vấn đề năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc, G7 cam kết sẽ hành động chống lại các hành vi không công bằng để tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng.

Trong phần đề cập đến chiến tranh ở Ukraine, G7 trực tiếp điểm tên Trung Quốc đã hỗ trợ Nga trong chiến tranh. Tuyên bố chung nói rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp theo hệ thống pháp luật của chúng tôi để chống lại những hành vi cung cấp, hỗ trợ vật chất cho cỗ máy chiến tranh của Nga từ Trung Quốc và các nước thứ ba, bao gồm cả các tổ chức tài chính, cũng như các thực thể Trung Quốc khác hỗ trợ Nga mua sắm các vật phẩm cho cơ sở công nghiệp quốc phòng.”

G7 nói sẽ thực hiện các hành động tiếp theo, bao gồm các biện pháp trừng phạt và xử phạt những thực thể Trung Quốc giúp Nga lách các lệnh cấm vận của phương Tây, đồng thời cam kết áp dụng “các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn việc truy cập vào hệ thống tài chính của chúng tôi”.

Tuyên bố lần này của G7 đã bổ sung những nội dung liên quan đến các hoạt động mạng độc hại và vấn đề Hồng Kông. Các vấn đề như vấn đề Biển Đông, Biển Hoa Đông, Tây Tạng và Tân Cương vẫn là những điểm quan tâm của G7.

Tuyên bố chung của G7 phản ánh sự thay đổi quan điểm của phương Tây đối với Trung Quốc. Trong Tuyên bố chung của G7 năm nay đã đề cập đến Trung Quốc 28 lần, hầu như đều mô tả Bắc Kinh như một nhân vật tiêu cực, chứ không còn coi Trung Quốc là một ‘đối tác hợp tác’ như trước đây.

Tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) dẫn nguồn từ nhân sĩ am hiểu vấn đề cho biết, G7 không còn hy vọng về việc thuyết phục Bắc Kinh ngừng ủng hộ Nga.

Nguyên nhân G7 cứng rắn với Trung Quốc

Về nguyên nhân khiến G7 sử dụng ngữ khí nghiêm khắc với Trung Quốc, Phó giáo sư Trịnh Khâm Mô của Khoa Ngoại giao thuộc Đại học Đạm Giang (của Đài Loan) đã nói với tờ Epoch Times rằng, nguyên nhân chủ yếu là do từ Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima năm ngoái đến Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay, mối đe dọa từ Trung Quốc đã liên tục gia tăng.

Ông phân tích rằng, ngoài việc gia tăng các biện pháp uy hiếp bằng cả lời nói và hành động tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc còn tỏ ra hung hăng ở Biển Đông. Đặc biệt là gần đây khi Trung Quốc ban hành "Quy định về thủ tục hành chính của cơ quan hải cảnh", cho phép họ giam giữ người nước ngoài mà không cần qua xét xử. Ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang hỗ trợ Nga. Trung Quốc ngày càng công khai việc ủng hộ Nga, không chỉ cung cấp các linh kiện cần thiết cho Nga như hình ảnh vệ tinh, máy bay không người lái, mà còn tăng cường thương mại song phương giữa hai nước, khiến GDP của Nga tăng trưởng hơn 3% trong thời gian chiến tranh.

Ông Trịnh Khâm Mô cho biết, phương Tây đã chậm trễ 2 năm. Trong 2 năm này, phương Tây có chút không thực tế khi chỉ nhấn mạnh rằng Trung Quốc không được cung cấp vũ khí chí mạng cho Nga, nhưng Trung Quốc vẫn lén lút cung cấp những sự hỗ trợ cho Nga, khiến cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái không đạt hiệu quả như mong đợi.

Giáo sư Nghiên cứu Quốc tế Diệp Diệu Nguyên thuộc Đại học St. Thomas (của Mỹ) đã nói với tờ Epoch Times rằng, lý do chính khiến các nước Châu Âu ngày càng cảm thấy khó chịu với Trung Quốc là vì Trung Quốc đã âm thầm giúp đỡ Nga kéo dài cuộc chiến Nga - Ukraine. Thứ hai là do cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng đã khiến các nước Châu Âu cũng dần dần đi theo con đường của Mỹ.

Ông Diệp Diệu Nguyên cho rằng, có ba nguyên nhân khiến G7 sử dụng ngữ khí nghiêm khắc. Thứ nhất là do mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc đối với các nước khác không ngừng gia tăng, dù là ở Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan hay là Biển Đông. Thứ hai, nếu Trung Quốc trở thành một cường quốc trên thế giới, liệu trật tự thế giới do Trung Quốc thiết lập và các giá trị quan của họ có được các nước khác chấp nhận hay không. Thứ ba, về vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas, lập trường của Trung Quốc khác biệt với các nước phương Tây, cho nên, xung đột giữa hai bên ngày càng rõ ràng.

Trung Quốc sẽ thay đổi chăng?

Hiện nay, để duy trì thương mại với Châu Âu và Mỹ, hầu hết các ngân hàng Trung Quốc đã chấm dứt các hoạt động kinh doanh với Nga. Chính quyền Trung Quốc cũng không đáp ứng yêu cầu của ông Putin vào tháng 5, khi ông đề nghị các ngân hàng Trung Quốc tăng cường hoạt động tại Nga.

Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Nga, nhưng sẽ chọn các ngân hàng nhỏ khó bị theo dõi hoặc các kênh tài trợ ngầm ít bị ảnh hưởng bởi hệ thống tài chính quốc tế.

Phản ứng trước Tuyên bố chung của G7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng, G7 đã “chính trị hóa và vũ khí hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại”, “bôi nhọ và tấn công Trung Quốc”, và “tràn ngập sự kiêu ngạo, định kiến và dối trá”.

Ông Trịnh Khâm Mô cho biết, không nên mong đợi Trung Quốc tuân thủ các hiệp định hoặc điều ước quốc tế, bởi vì kể từ khi thành lập đến nay, Bắc Kinh chưa bao giờ tuân thủ những điều đó.

Xu hướng phân chia thế giới ngày càng rõ ràng hơn

Lập trường cứng rắn của G7 lần này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây trong tương lai?

Ông Trịnh Khâm Mô cho biết, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây trong tương lai có lẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn, bởi vì mục tiêu chiến lược của hai bên hoàn toàn trái ngược nhau. Trong thời gian tiếp theo có thể sẽ là một mô hình Chiến tranh Lạnh mới, các nước dân chủ phương Tây sẽ xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình, trong khi Trung Quốc cũng đã chuẩn bị sẵn ‘tuần hoàn nội tại’ (tự cung tự cấp), tăng cường liên kết với các nước ‘phe Trục mới’, thậm chí là với các nước khủng bố. Vì thế, Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập khỏi hệ thống quốc tế do các nước phương Tây làm chủ đạo.

Ông Diệp Diệu Nguyên cho biết, hiện nay thế giới đang bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã rơi vào bế tắc, không còn gì để nói với nhau. Ông Diệp Diệu Nguyên cho rằng, các nước Châu Âu là chưa hoàn toàn chọn phe. Ví dụ, Mỹ áp thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc, nhưng Châu Âu chỉ áp thuế tối đa 38%, vẫn còn chênh lệch rất nhiều so với Mỹ.

Ông Diệp Diệu Nguyên cho rằng, mặc dù các nước Châu Âu tương đối thân thiện hơn đối với Trung Quốc, nhưng theo thời gian, nếu cuộc chiến Nga - Ukraine không kết thúc, sự thù địch của Châu Âu đối với Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng. Hiện nay, mặc dù hai bên vẫn có thể cùng tồn tại, nhưng nếu có thêm nhiều sự kiện xảy ra, thế giới sẽ ngày càng phân chia rõ ràng giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Thuần Phong biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao G7 ngày càng cứng rắn với Trung Quốc?