Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ lớn tuổi ở Trung Quốc tìm cách đi du học?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ đề ‘Tiểu Hồng Thư du học ở tuổi trung niên’ đang là một chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc, với hơn 56 triệu lượt tìm kiếm. Đặc biệt, có rất nhiều phụ nữ Trung Quốc khoảng 30 tuổi trở lên lựa chọn đi du học ở nước ngoài, trở thành một phần của xu hướng ‘di cư thông qua việc du học’ của người Trung Quốc.

Những sinh viên lớn tuổi đi du học thường đề cập đến những người khoảng 30 tuổi, đi du học sau vài năm tốt nghiệp và đi làm. Hầu hết họ đều đã có kinh nghiệm làm việc nhất định và một số có thể đã lập gia đình.

Tờ South China Morning Post ngày 24/6 đưa tin, vào tháng 8/2023, cô Kha (Claudia Ke) đến từ Thượng Hải đã đến Burgundy, một vùng rượu vang của Pháp, được 5 tháng. Cô Kha, 35 tuổi, từng làm việc tại tạp chí thời trang Vogue Bắc Kinh. Sau đó làm việc tại Macy's ở Thượng Hải và cuối cùng cố gắng thành lập công ty tư vấn của riêng mình.

Năm 2022, cô Kha trải qua đợt phong tỏa kinh hoàng ở Thượng Hải. Khu vực của cô đã bị phong tỏa trong hơn 2 tháng, kết thúc vào ngày 22/6 năm đó.

Thượng Hải vào thời điểm đó đang biến thành một thị trấn ma và vì chính phủ phân bổ thực phẩm dựa trên đơn vị nhà ở thay vì số lượng nhân khẩu, nghĩa là một gia đình 5 người nhận được lượng thực phẩm tương đương với một gia đình có 1 người, nhiều người dân phải mua thực phẩm từ hàng xóm trong nhóm WeChat hoặc mua đồ ăn trực tuyến.

Đối với những người ít am hiểu về công nghệ, đặc biệt là người cao tuổi, việc mua sắm thực phẩm trực tuyến quả thực là một thách thức. Trên các trang mạng xã hội như WeChat, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối tình trạng thiếu hụt thực phẩm, bày tỏ sự thất vọng trước sự chậm trễ và thiếu hiệu quả trong công tác phân phối nhu yếu phẩm của chính quyền.

Hình ảnh những chiếc máy bay không người lái của chính quyền bay qua khu vực phong tỏa, để buộc bất cứ ai bước ra ban công biểu hiện sự bất mãn sẽ phải chịu phạt.

Dù sống một mình nhưng cô Kha phải tính toán, lên kế hoạch cẩn thận về lượng thức ăn sẽ ăn mỗi ngày. Cô không khỏi tự hỏi những người cao tuổi phải làm thế nào để sử dụng điện thoại di động để có đủ thực phẩm.

Quyết tâm rời bỏ Trung Quốc

Việc sống trong biệt giam đã khiến sự chấp nhận ban đầu của cô về hoàn cảnh trở nên hoảng loạn tột độ.

Vào ngày 1/5/2022, cô nhận được cuộc gọi từ mẹ, bà đã thúc giục cô Kha rời đi và học thạc sĩ ở một đất nước mới, nơi cô có thể bắt đầu lại.

Lúc đầu, cô Kha không có hứng thú rời khỏi Trung Quốc, Thượng Hải hay bạn bè của cô. Hơn nữa, đối với công dân Trung Quốc, quá trình nhập cư sang các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Anh, Canada hay Úc có thể mất nhiều thời gian và cần phải đầu tư đáng kể.

Tuy nhiên, cô Kha càng ngày càng lo lắng về việc phong tỏa, và cô đã trở lên trầm cảm do ở nhà quá lâu. Cô cũng chứng kiến những đại diện chính quyền mặc đồ bảo hộ đã đá văng cửa nhà của người dân, khiến cô cảm thấy kiệt sức.

Đến tháng 6/2022 khi Thượng Hải gỡ bỏ lệnh phong tỏa, cô Kha đã thuyết phục bản thân rằng cô có thể làm tốt hơn ở một nơi khác, và bắt đầu chuẩn bị để rời khỏi Thượng Hải.

“Tôi đã dành 10 ngày để cân nhắc xem có nên rời đi hay không”, cô Kha nói “Tôi rất yêu Thượng Hải nhưng thực tế đã ập đến với tôi. Tôi phải rời đi”.

Một tháng sau, cô trở về nơi sinh ra ở Bắc Kinh, đoàn tụ với mẹ và bắt đầu nộp đơn đăng ký vào các trường học trên khắp châu Âu. Cuối cùng, cô được nhận vào Trường Thương mại Burgundy với tư cách là học viên MBA. Vào mùa hè năm 2023, trước khi đến Pháp, cô đã bán công ty tư vấn của mình.

Cô Kha là một trong nhiều phụ nữ Trung Quốc ở độ tuổi 30 quyết định đi du học để học cao học. Phụ nữ trong độ tuổi này chọn đi du học vì nhiều lý do, bao gồm áp lực kết hôn; tình trạng kinh tế suy thoái ở Trung Quốc sau đại dịch làm tan vỡ hy vọng nghề nghiệp; sự thắt chặt kiểm soát chính trị của Trung Quốc khiến họ mất đi nhiều quyền tự do; và sự phân biệt đối xử về giới tính và độ tuổi tại nơi làm việc.

Cô Kha hiện là người cung cấp dịch vụ tư vấn giáo dục cho những phụ nữ đã trải qua trải nghiệm tương tự, cho biết: “Phụ nữ lớn tuổi Trung Quốc đang cố gắng thoát khỏi Trung Quốc bằng cách đi du học, mặc dù họ không biết tương lai của mình sẽ như thế nào khi ra nước ngoài”.

Kể từ tháng 5 năm ngoái, cô đã nhận được hơn 2.000 tin nhắn riêng của nhiều phụ nữ trên mạng xã hội, họ tìm kiếm những lời khuyên về việc lựa chọn chương trình học và nộp đơn vào các trường đại học.

Tất cả điều này xảy ra khi Trung Quốc đang phải đối mặt với tỷ lệ kết hôn và sinh sản ở mức thấp kỷ lục và dân số nước này đã giảm năm thứ hai liên tiếp. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc cho rằng phụ nữ nên kể “những câu chuyện truyền thống gia đình” và “tích cực nuôi dưỡng nền văn hóa hôn nhân và sinh con mới”.

Nhưng phụ nữ như cô Kha lại không nghĩ như vậy. "Lựa chọn di cư" cũng là một cách để phụ nữ đối phó với những mâu thuẫn trong xã hội Trung Quốc: phụ nữ được sinh ra trong chính sách một con của Trung Quốc được khuyến khích theo đuổi sự nghiệp và tự hào về bản thân. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền Trung Quốc lại yêu cầu phụ nữ sau khi tốt nghiệp đại học phải kết hôn và sinh con. Nếu vẫn độc thân sau 27 tuổi, họ sẽ bị dán nhãn "gái ế".

Trang web Huxiu.com của Trung Quốc cũng đăng một câu chuyện vào ngày 23/5/2023, kể về 3 người phụ nữ lớn tuổi đi du học. Trong số đó, có một người phụ nữ tên Rachel, trong 2 năm làm việc tại vô số các công ty Internet lớn ở Trung Quốc, cô ấy đã hai lần trải qua việc bộ phận của mình bị giải thể, và công việc của cô còn bị thay đổi liên tục theo tháng. Nhưng sự thay đổi nhanh chóng không có nghĩa là được ưu đãi, việc làm thêm giờ và thức đêm vẫn là điều bình thường. Sau đó, cô đã từ bỏ vị trí ở công ty lớn, mang theo 500.000 Nhân dân tệ (khoảng 1,8 tỷ VND) là toàn bộ tài sản cô tích lũy được, để đi du học ở nước ngoài. Trình độ học vấn của cô đã thay đổi từ sinh viên đại học năm thứ hai chuyên ngành thương mại quốc tế sang sinh viên cao học chuyên ngành phương pháp định lượng và phân tích tại một trường đại học ở Hoa Kỳ.

Không chỉ nhiều phụ nữ Trung Quốc chọn ‘du học ở độ tuổi lớn’ mà ngày càng nhiều người Trung Quốc chọn rời Trung Quốc sau dịch bệnh, nhiều phụ huynh gửi con đi du học. Theo dữ liệu do WeChat cung cấp, số lượt tìm kiếm “nhập cư” trên Internet Trung Quốc đạt 33 triệu lần vào năm 2022, tăng khoảng 5 lần so với năm 2021. Sau đó, WeChat đã kiểm duyệt dữ liệu tìm kiếm với từ khóa này.

Sau hai năm đóng cửa biên giới do đại dịch, biên giới Trung Quốc đã mở cửa trở lại vào năm 2023, nhu cầu bị dồn nén của các gia đình Trung Quốc trong việc cho con em đi du học ở nước ngoài tăng lên, một phần do nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn: xuất khẩu giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao, giá trị bất động sản sụt giảm dẫn đến nhiều gia đình gặp khó khăn về dòng tiền - tới 70% hộ gia đình Trung Quốc đã đầu tư hầu hết tài sản vào bất động sản. Sinh viên Trung Quốc càng muốn đi du học ở nước ngoài hơn, vì họ cho rằng đây là một lựa chọn tốt hơn so với việc cố gắng vượt qua triển vọng việc làm ảm đạm ở Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post trước đó đưa tin các nước châu Âu như Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Ireland đang trở thành điểm đến phổ biến của sinh viên Trung Quốc đi du học.

Hãng tin AP đưa tin, cô Huang, sinh viên Thượng Hải hiện đang học tập tại Anh, cho biết cách xử lý dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều người trẻ ra nước ngoài hơn. Cô nói: “Sau 3 năm trải qua việc bị kiểm soát chặt chẽ trong thời kỳ dịch bệnh, hầu hết mọi người đều nhận ra rằng thế giới bên ngoài đã khác và họ sẵn sàng rời đi hơn”.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ lớn tuổi ở Trung Quốc tìm cách đi du học?