Vì sao nói: Một tướng bất tài, ba quân kiệt sức?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào cuối thời Bắc Tống, quân Kim đến thành Biện Kinh, kinh đô của nhà Tống, bắt hai hoàng đế Huy Tông và Khâm Tông làm tù binh. Khi lưỡi gươm của quân Kim chĩa vào, quân đội nhà Tống gần như sụp đổ ngay lập tức. Cho đến khi đội quân Nhạc gia xuất trận, quân Kim mới gặp phải một kẻ địch đáng gờm. Cùng là quân đội nhà Tống, nhưng khi được gia nhập vào dưới cờ của Nhạc Phi những người lính yếu ớt trước đó đã lột xác trở thành mãnh hổ, đánh bật quân Kim và khiến đám quan lại chạy tán loạn, họ hốt hoảng la lên: ‘Hám sơn dị, hám Nhạc gia quân nan!’ (Tạm dịch: Lay chuyển núi thì dễ, lay chuyển quân Nhạc gia thì khó).

Từ đó có thể thấy dưới tướng mạnh không có lính yếu. Người xưa có câu: ‘Ngàn quân dễ có, một tướng khó tìm’. Một con sư tử dẫn đầu một đàn cừu, mỗi con cừu có thể trở thành một con sư tử; nhưng một đàn sư tử bị một con cừu dẫn đầu thì bầy sư tử đó có thể biến thành bầy cừu.

Napoléon từng nói: Một đàn cừu do sư tử dẫn đầu có thể đánh bại một đàn sư tử được dẫn dắt bởi một con cừu. Câu nói kinh điển này đã chỉ rõ vai trò then chốt của tướng giỏi trong việc phát triển đội nhóm.

Người dân thường nói: "Một tướng giỏi thì cả đạo quân hừng hực khí thế", tàu chạy nhanh là nhờ đầu máy kéo khỏe. Ngược lại với những câu ngạn ngữ này là câu ‘Một tướng bất tài, ba quân kiệt sức’.

Câu nói “Một tướng bất tài, ba quân kiệt sức” xuất phát từ ‘Tả Thị Xuân Thu’, chỉ về trường hợp Triệu Quát, tướng soái của quân Triệu, người chỉ biết ‘bàn việc binh trên giấy’, trong trận Trường Bình với quân Tần. Do sự bất tài của Triệu Quát, 40 vạn quân Triệu đã bị tiêu diệt, và nước Triệu sau đó cũng bị diệt vong.

Khi nhìn lại các cuộc chiến lớn nhỏ trong lịch sử, ta thấy không có chuyện quân lính vô năng, mà chỉ có tướng lĩnh bất tài.

Đạo làm tướng là xông pha dẫn đầu đoàn quân

Vào những năm đầu triều Thanh, Cát Nhĩ Đan với lý do truy quét bộ tộc Khalkha, đã xâm lược vào biên giới Đại Thanh. Để trấn an lê dân các vùng lân cận phía Bắc và Tây Bắc, Khang Hy đại đế đã quyết định ngự giá thân chinh, tự mình thống soái đại quân, cùng trung lộ đại quân tiến công.

Trong ‘Đình Huấn’ Hoàng đế Khang Hy đã nhớ lại sự việc này và nói: "Mỗi sáng thức dậy, ta lập tức hành quân, mãi đến giữa trưa mới dựng trại nghỉ ngơi. Xét tới việc hành quân viễn chinh, nguồn cung cấp lương thảo vô cùng khẩn cấp, ta đã ra lệnh cho toàn quân chỉ ăn một bữa mỗi ngày, ta cũng chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Trước khi dựng trại, cử người đi tìm hiểu về nguồn nước ở địa phương, đồng cỏ, v.v. Nếu gặp nơi thiếu nước, thì đào giếng, đào suối để tích trữ nước sạch, bảo đảm cung cấp đủ cho người và ngựa. Ở nơi trước đây không có nước, bất ngờ xuất hiện nước suối trong vắt và chảy không ngừng, sau dó đào rãnh dẫn nước đến những nơi cách đó vài dặm, nguồn nước cho người và ngựa do vậy mà không hết".

Cát Nhĩ Đan nghe nói Hoàng đế Khang Hy đích thân dẫn đại ra trận, bị chấn động bởi thiên uy của Khang Hy nên lập tức bỏ chạy. Chỉ sau một trận chiến, Hoàng đế Khang Hy đã đánh bại hoàn toàn bọn chúng.

Trong ‘Đình Huấn’, Hoàng đế Khang Hy đã dạy: “Tất cả những điều này đều do ta thuận theo ý Trời, xuất quân chính nghĩa, nên mới có cảnh tượng kỳ diệu, như suối mới phun trào, sông núi linh hiển. Hàng chục vạn tướng sĩ, xe cộ, ngựa chiến của Đại Thanh đều bình an vô sự. Chỉ trong vòng ba tháng, chúng ta đã chỉnh đốn quân đội, khải hoàn trở về”.

Sự kém cỏi của Triệu Quát đã khiến 40 vạn quân Triệu thiệt mạng

Năm 262 TCN, vua Tần Chiêu Tương sai đại tướng Bạch Khởi tấn công nước Hàn, chiếm Dã Vương (nay là Thấm Dương, Hà Nam). Cắt đứt liên hệ giữa huyện Thượng Đảng (Trường Trị, tỉnh Sơn Tây ngày nay) với kinh đô của nước Hàn, tình thế tại Thượng Đảng rất nguy cấp. Tướng quân Thượng Đảng của nước Hàn không muốn đầu hàng Tần, nên đã cử sứ giả mang theo bản đồ đến dâng Thượng Đảng cho nước Triệu. Vua Triệu Hiếu Thành (con trai của Triệu Huệ Văn) sai quân đi đến tiếp quản Thượng Đảng. Hai năm sau, nước Tần sai Vương Hột bao vây Thượng Đảng.

Khi vua Triệu Hiếu Thành biết tin, ông nhanh chóng cử Liêm Pha dẫn đội quân hơn 20 vạn người đến giải cứu Thượng Đảng. Quân Triệu vừa đến Trường Bình (nay là phía tây bắc huyện Cao Bình, Sơn Tây), thì Thượng Đảng đã bị quân Tần chiếm giữ. Vương Hột vẫn muốn tấn công Trường Bình. Tướng quân Liêm Pha nhanh chóng thủ vững trận địa, ra lệnh cho binh lính xây dựng đồn lũy, đào hào sâu, sẵn sàng đối đầu với quân Tần từ xa đến, chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài.

Vương Hột nhiều lần khiêu chiến quân Triệu, nhưng Liêm Pha nhất định không giao chiến. Vương Hột không nghĩ ra cách nào, đành phải phái người về báo với Tần Chiêu Tương vương, nói: "Liêm Pha là một lão tướng dày dặn kinh nghiệm, không dễ dàng ra trận giao chiến. Quân ta đi xa đến, lâu ngày e rằng lương thảo không đủ, phải làm sao?"

Tần Chiêu Tương vương mời Phạm Thư đến bàn kế sách. Phạm Thư nói: "Muốn đánh bại nước Triệu, trước tiên phải khiến Triệu quốc điều Liêm Pha về".

Tần Chiêu Tương vương nói: "Làm sao làm được?"

Phạm Thư nói: "Để thần nghĩ cách".

Mấy ngày sau, Triệu Hiếu Thành vương nghe nhiều người bàn tán, nói: “Tần quốc chỉ sợ Triệu Quát trẻ tuổi, khỏe mạnh cầm quân, còn Liêm Pha già yếu, vô dụng, sắp đầu hàng rồi!”.

Triệu Quát là con trai của Triệu Xa, một vị tướng nổi tiếng của nước Triệu. Triệu Quát khi còn nhỏ rất thích học binh pháp, khi bàn về nguyên tắc dùng binh, ông cho rằng mình là người bất khả chiến bại, ngay cả cha của mình ông cũng không coi trọng.

Vua Triệu nghe xong liền truyền cho Triệu Quát đến và hỏi xem liệu ông ta có thể đẩy lùi quân Tần hay không. Triệu Quát nói: “Nếu quân Tần để Bạch Khởi cầm quân thì tôi phải cân nhắc. Như hôm nay người cầm quân là Vương Hột, hắn ta chẳng qua chỉ là đối thủ của Liêm Pha thôi. Nếu để tôi thay Liêm Pha cầm quân, đánh bại hắn khỏi phải bàn cãi".

Triệu Hiếu Thành vương nghe thấy thế rất vui, liền phong cho Triệu Quát làm đại tướng thay Liêm Pha.

Lạn Tương Như nói với Triệu Vương: "Triệu Quát chỉ biết đọc binh thư của cha mình và không thể ứng biến khi lâm trận. Không thể phong ông ta làm đại tướng".

Tuy nhiên, Triệu Vương không nghe lời khuyên của Lạn Tương Như. Mẹ của Triệu Quát cũng gửi tấu sớ tới Triệu Vương, thỉnh cầu Triệu Vương đừng để Triệu Quát đi. Triệu Vương triệu bà đến và hỏi lý do tại sao. Mẹ Triệu Quát thưa: “Khi cha của Triệu Quát lâm chung đã nhiều lần nói với thiếp rằng ‘đứa trẻ Triệu Quát này xem việc đánh trận như trò đùa trẻ con, bàn về binh pháp thì cao ngạo, coi thường mọi người. Sau này nếu Đại vương không sử dụng nó thì tốt, còn nếu dùng nó làm đại tướng, e rằng quân Triệu sẽ bị hủy hoại trong tay nó.' Vì vậy, thiếp xin Đại vương ngàn vạn lần đừng để nó làm đại tướng".

Triệu Vương nói: "Trẫm đã quyết định rồi, khanh không cần phải lo lắng”.

Mẹ Triệu Quát can gián Triệu Vương. (Miền công cộng)

Năm 260 trước Công nguyên, Triệu Quát dẫn 20 vạn quân đến Trường Bình và yêu cầu Liêm Pha giao lại binh phù. Liêm Pha hoàn tất việc chuyển giao và trở về Hàm Đan. Triệu Quát chỉ huy một đội quân 40 vạn người, rất hùng mạnh. Ông bãi bỏ mọi chế độ do Liêm Pha quy định và ra lệnh: “Nếu quân Tần đến khiêu chiến lần nữa thì phải đánh trả trực diện. Một khi kẻ địch bị đánh bại thì phải đuổi cùng giết tận mới xong".

Ở Tần quốc, Phạm Thư biết tin Triệu Quát đã thay Liêm Pha làm đại tướng, biết kế phản gián của mình đã thành công liền bí mật cử Bạch Khởi làm tướng quân chỉ huy quân Tần. Ngay khi Bạch Khởi đến Trường Bình, Bạch Khởi liền bố trí mai phục, cố ý bại vài trận. Triệu Quát không biết đó là kế sách của quân Tần, dốc sức đuổi theo. Bạch Khởi dụ quân Triệu đến địa điểm mai phục trước và cử 25.000 tinh binh cắt đứt đường rút lui của quân Triệu. Ông cũng cử 5.000 kỵ binh xông thẳng vào doanh trại quân Triệu và chia 40 vạn quân Triệu thành hai nửa. Khi đó Triệu Quát mới nhận ra quân Tần mạnh đến mức nào nên phải xây thành cố thủ, chờ quân cứu viện. Nước Tần lại đem quân cắt đường chi viện và đường vận chuyển lương thảo của quân Triệu.

Quân của Triệu Quát trong không có lương thảo, ngoài không có quân cứu viện, phòng thủ hơn 40 ngày, binh sĩ kêu ca than vãn và không còn tâm trí chiến đấu. Triệu Quát dẫn quân xông ra khỏi vòng vây, nhưng quân Tần đã bắn hàng ngàn mũi tên và bắn chết Triệu Quát. Khi quân Triệu nghe tin tướng soái của họ bị giết, họ cũng ném vũ khí xuống và đầu hàng. Sau đó, 40 vạn quân Triệu đã bị tiêu diệt hoàn toàn do sự bất tài của tướng soái Triệu Quát.

Qua đây có thể thấy, đối với cả một quốc gia hay một doanh nghiệp, phẩm chất của người lãnh đạo đều vô cùng quan trọng. Lãnh đạo là người khởi xướng và thúc đẩy hoạt động bình thường của một tổ chức, gánh vác trách nhiệm lãnh đạo và quản lý tổ chức để quyết định thắng thua. Mức độ quản lý của họ ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của tập thể, thậm chí đến sự hưng thịnh hay suy vong của một doanh nghiệp hoặc quốc gia. Do đó, doanh nghiệp xuất sắc cần có tập thể xuất sắc, và càng cần có người lãnh đạo xuất sắc. Tướng yếu ắt không có binh lính mạnh, tướng mạnh sẽ không có binh yếu. Thương trường như chiến trường, phẩm chất của người lãnh đạo mới là yếu tố quyết định thành hay bại.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nói: Một tướng bất tài, ba quân kiệt sức?